Toàn bộ nội dung bài trình bày của PGS. TS Nguyễn Minh Đức trong hội nghị Asia vừa qua


CHÍNH SÁCH GIÁO DỤC HÒA NHẬP TRẺ KHUYẾT TẬT VIỆT NAM Nguyễn Đức Minh, Viện KHGDVN
1. Quan điểm, chính sách về tham gia giáo dục hòa nhập của trẻ có hoàn cảnh đặc biệt
1.1. Nhà nước bảo đảm quyền và trách nhiệm tham gia, hoàn thành phổ cập giáo dục cho mọi trẻ em
Hiến pháp nước CHXHCNVN có qui định “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục” (Điều 37) và “Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập” (Điều 39). Điều 61 trong hiến pháp qui định “Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục; … bảo đảm giáo dục tiểu học là bắt buộc, Nhà nước không thu học phí; từng bước phổ cập giáo dục trung học…”.
Hiện thực hóa các qui định của Hiến pháp, Việt Nam đã ban hành và thực hiện một số luật nhằm “bảo đảm quyền bình đẳng cơ hội tham gia giáo dục tất cả trẻ em không phân biệt dân tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội” và “nghiêm cấm cản trở việc học tập của trẻ em” (điều 4 và điều 7 Luật BV, CS&GD trẻ em).

Không chỉ khuyến khích, bảo đảm quyền được tham gia học tập, các chính sách của Việt Nam còn qui định bắt buộc tham gia phổ cập giáo dục tiểu học cho tất cả trẻ em trong độ tuổi (điều 10 Luật Giáo dục). Với mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài, Nhà nước đã qui định trong luật về việc phổ cập giáo dục tiểu học và giáo dục THCS. Mọi công dân Việt Nam trong độ tuổi qui định có nghĩa vụ học tập để đạt trình độ giáo dục tiểu học (điều 11 Luật GD; điều 1 Luật Phổ cập GDTH). Điều đó có nghĩa là mọi trẻ em Việt Nam có độ tuổi học có quyền và nghĩa vụ bắt buộc phải thực hiện phổ cập giáo dục TH và giáo dục THCS.
Thực hiện các qui định của pháp luật, Việt Nam đã xây dựng chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 trong đó đã đưa ra mục tiêu: “Đến năm 2020, tỷ lệ đi học đúng độ tuổi ở tiểu học là 99%, trung học cơ sở là 95% và 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ học vấn trung học phổ thông và tương đương; có 70% trẻ em khuyết tật được đi học”.

Khẳng định thực hiện các mục tiêu này, Nghị quyết 29 của Đảng CSVN về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo Việt Nam đã đưa ra mục tiêu “Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau năm 2020. Phấn đấu đến năm 2020, có 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục trung học phổ thông và tương đương”.
Nhìn chung, các qui định trong chính sách thì đã có thể bảo đảm để mọi trẻ em có thể tham gia và có trách nhiệm tham gia giáo dục, phổ cập tiểu học và THCS có chất lượng và có thể tiếp tục học tập ở các trình độ cao hơn.
1.2. Nhà nước bảo đảm các điều kiện để hoàn thành phổ cập giáo dục cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt
Trẻ có hoàn cảnh đặc biệt có thể sống tại mọi địa phương tại mọi vùng miền nên để tham gia giáo dục và hoàn thành phổ cập giáo dục thì trẻ cần được đi học ở trường tiện lợi nhất và không bị cản trở bởi các điều kiện, hoàn cảnh kinh tế - xã hội. Do đó mạng lưới các trường công lập ở tất cả các địa phương cần được chuẩn bị tốt nhất để tiếp nhận mọi trẻ em đến lớp. Phổ cập giáo dục cũng đòi hỏi các trường học nơi trẻ sinh sống không hoặc miễn giảm thu học phí và sẵn sàng trợ giúp các phương tiện, đồ dùng dạy học thiết yếu (sách, vở, phương tiện hỗ trợ, quần áo, tiền ăn…) cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt. Giáo viên trực tiếp giáo dục, dạy học cần biết vận dụng các qui định của pháp luật để huy động, bảo đảm các điều kiện nhằm giúp trẻ có hoàn cảnh đặc biệt thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi.Mỗi trẻ có hoàn cảnh đặc biệt lại có những điều kiện, hoàn cảnh khác nhau nên việc tham gia giáo dục và hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học sẽ không thể như nhau. Vì vậy, Nhà nước đã qui định những chính sách đa dạng nhằm hỗ trợ để tất cả mọi trẻ em điều thực hiện được quyền phổ cập giáo dục của mình. Trong một số Bộ luật đã nêu: “Mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, nam nữ, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập. Nhà nước thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, tạo điều kiện để ai cũng được học hành… Nhà nước ưu tiên, tạo điều kiện cho con em dân tộc thiểu số, con em gia đình ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi, người tàn tật, khuyết tật và đối tượng được hưởng chính sách xã hội khác thực hiện quyền và nghĩa vụ học tập của mình” (điều 10, điều 11, Luật GD; điều 6, điều 11 Luật Phổ cập GDTH). Cụ thể hóa các điều kiện ưu tiên, Việt Nam có chính sách bảo đảm trẻ em học tiểu học trong hệ thống các trường công lập không phải trả học phí (Điều 16 Luật BV, CS&GD trẻ em; điều 13 Luật Phổ cập GDTH).
Theo nguyên tắc thì học sinh phổ thông Việt Nam phải thực hiện chương trình giáo dục đúng độ tuổi. Tuy nhiên, các nhóm học sinh nêu trong điều 26 của Luật Giáo dục có thể đi học không đúng tuổi. Cụ thể Điều 26 của luật này qui định: “Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định những trường hợp có thể…học ở tuổi cao hơn tuổi quy định đối với học sinh ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, học sinh người dân tộc thiểu số, học sinh bị tàn tật, khuyết tật, học sinh kém phát triển về thể lực và trí tuệ, học sinh mồ côi không nơi nương tựa, học sinh trong diện hộ đói nghèo theo quy định của Nhà nước…”.
Điều này còn được khẳng định và cụ thể hóa hơn trong Luật Người khuyết tật. Điều 27 của Luật Người khuyết tật có qui định: “Nhà nước tạo điều kiện để người khuyết tật được học tập phù hợp với nhu cầu và khả năng của người khuyết tật. Người khuyết tật được nhập học ở độ tuổi cao hơn so với độ tuổi quy định đối với giáo dục phổ thông; được ưu tiên trong tuyển sinh; được miễn, giảm một số môn học hoặc nội dung và hoạt động giáo dục mà khả năng của cá nhân không thể đáp ứng…”. Theo qui định này, học sinh khuyết tật sẽ được điều chỉnh chương trình theo hướng “miễn, giảm” về một số nội dung và môn học. Những nội dung và môn học còn lại vẫn phải bảo đảm theo chương trình giáo dục phổ thông.
Luật cũng qui định các cơ sở giáo dục có trách nhiệm và bắt buộc phải tạo điều kiện để trẻ khuyết tật có thể theo học hòa nhập. Điều 30, Luật Người khuyết tật qui định các cơ sở giáo dục phải “Bảo đảm các điều kiện dạy và học phù hợp đối với người khuyết tật, không được từ chối tiếp nhận người khuyết tật nhập học trái với quy định của pháp luật. Thực hiện việc cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất dạy và học chưa bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật”.
Luật người khuyết tật cũng xem xét đến khó khăn riêng của từng đối tượng người học có khuyết tật và đưa ra các qui định với Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tại điều 31: “Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập là cơ sở cung cấp nội dung chương trình, thiết bị, tài liệu dạy và học, các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ giáo dục, tổ chức giáo dục phù hợp với đặc điểm và hoàn cảnh của người khuyết tật”.

Bảo đảm điều kiện học tập, phổ cập giáo dục tiểu học cho mọi trẻ em, Việt Nam đã xem xét chính sách hỗ trợ đặc biệt cho người khuyết tật học tập. Qui định 23/2006/QĐ-BGD&ĐT về giáo dục hòa nhập người khuyết tật của Bộ GD&ĐT đã có những qui định cụ thể hơn như về người khuyết tật: “Được hưởng quyền học tập bình đẳng như những người học khác; Tạo điều kiện và cơ hội cho người khuyết tật học văn hóa, học nghề, phục hồi chức năng và phát triển khả năng của bản thân để hòa nhập cộng đồng”; …“Được học tập trong các cơ sở giáo dục phù hợp với trình độ, năng lực; được tôn trọng và bảo vệ, đối xử bình đẳng trong học tập, trong các hoạt động văn hóa, thể thao để phát triển khả năng cá nhân; được xét miễn, giảm học phí và các khoản đóng góp khác; được cung cấp thông tin; được cấp sách giáo khoa, học phẩm, học bổng theo quy định; Được miễn giảm một số môn học không thể đáp ứng do tình trạng khuyết tật gây nên”.
Để cụ thể hóa đối tượng là trẻ có hoàn cảnh đặc biệt cần nhận được sự hỗ trợ trong việc tham gia giáo dục, hoạt động xã hội, Luật BV, CS&GD trẻ em có qui định: Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt bao gồm trẻ em mồ côi không nơi nương tựa; trẻ em bị bỏ rơi; trẻ em khuyết tật, tàn tật; trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học; trẻ em nhiễm HIV/AIDS; trẻ em phải làm việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại; trẻ em phải làm việc xa gia đình; trẻ em lang thang; trẻ em bị xâm hại tình dục; trẻ em nghiện ma túy; trẻ em vi phạm pháp luật

Thực hiện qui định trong các văn bản pháp luật về giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật, hàng năm Bộ GD&ĐT có văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ bảo đảm các điều kiện để mọi trẻ em có thể bình đẳng tham gia giáo dục. Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2008-2009 nêu như sau : Tổ chức các lớp học linh hoạt cho trẻ lang thang, cơ nhỡ với kế hoạch dạy học và thời khoá biểu phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện của địa phương”; “Học sinh khuyết tật là đối tượng được quan tâm chăm sóc để hưởng quyền được giáo dục”.
Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ GDTH năm học 2014-2015 của Vụ GDTH số 4119 /BGDĐT-GDTH, ngày 06 tháng 8 năm 2014 nêu: “Các địa phương cần tăng cường cơ hội tiếp cận giáo dục cho trẻ khuyết tật theo Luật người khuyết tật, Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người khuyết tật, triển khai hiệu quả chính sách về người khuyết tật: Quyết định số 23/2006/QĐ-BGDĐT Quy định về giáo dục hòa nhập cho người tàn tật, khuyết tật; Thông tư số 39/2009/TT-BGDĐT Quy định giáo dục hòa nhập cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; Thông tư liên tịch số 58/2012/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH Quy định về điều kiện và thủ tục thành lập, hoạt động, đình chỉ hoạt động, tổ chức lại, giải thể trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập; Thông tư liên tịch số 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC Quy định về chính sách giáo dục đối với người khuyết tật. Tạo điều kiện để trẻ khuyết tật được học tập bình đẳng trong các cơ sở giáo dục. Giáo dục trẻ khuyết tật phải phù hợp đối tượng, chủ động điều chỉnh linh hoạt về tổ chức dạy học, chương trình, phương pháp dạy học, đánh giá, xếp loại học sinh khuyết tật”.
Trong Thông tư số:30 /2014/TT-BGDĐT, ngày 28 tháng 8 năm 2014 ban hành quy định đánh giá học sinh tiểu học, tại điều 12 cũng đã dành một điều riêng cho đánh giá giáo dục hòa nhập học dsinh khuyết tật: “Đối với học sinh khuyết tật học theo phương thức giáo dục hoà nhập, nếu khả năng của học sinh có thể đáp ứng được yêu cầu chương trình giáo dục chung thì được đánh giá như đối với học sinh bình thường nhưng có giảm nhẹ yêu cầu về kết quả học tập. Những môn học hoặc hoạt động giáo dục mà học sinh không có khả năng đáp ứng yêu cầu chung thì được đánh giá theo yêu cầu của kế hoạch giáo dục cá nhân”.
Như vậy, về mặt pháp lý, có thể nói, Việt Nam đã bảo đảm bình đẳng về cơ hội tham gia và hoàn thành phổ cập giáo dục cho mọi trẻ em, trong đó có trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân dẫn đến kết quả phổ cập giáo dục cho mọi trẻ em vẫn chưa thể đạt được là do trong các qui định này chưa thực sự sát với thực tế và các chính sách cụ thể cũng như việc thực hiện chưa tốt nên hiệu quả chưa đạt được như mong đợi.

2. Thực trạng giáo dục trẻ có hoàn cảnh đặc biệt Việt Nam
Đánh giá về thực trạng giáo dục Việt Nam, trong chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2001 – 2010 cho thấy, đến 2010, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đi học tăng nhanh, trong đó mẫu giáo 5 tuổi tăng từ 72% lên 98%; tiểu học từ 94% lên 97%; trung học cơ sở từ 70% lên 83%; trung học phổ thông từ 33% lên 50%. Cả nước đã hoàn thành mục tiêu xoá mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở và đang đẩy mạnh thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi và phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; hầu hết các địa phương đã thực hiện xong phổ cập giáo dục THCS.
Bên cạnh tỉ lệ rất cao về số học sinh đã hoàn thành phổ cập giáo dục thì tại Việt Nam, theo điều tra năm 2009, chỉ có 66,5 % trẻ em khuyết tật trong độ tuổi tiểu học được đi học tại thời điểm điều tra, so với 96,8% trung bình toàn quốc . Cũng theo số liệu điều tra năm 2009 thì có 4,7% trẻ từ 5 đến 18 tuổi có khuyết tật. Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (MOLISA), giữa các nhóm trẻ em cần bảo vệ đặc biệt, trẻ em khuyết tật ( TKT) chiếm tỉ lệ lớn nhất, tổng cộng gần 1,3 triệu TKT, chiếm 86% của tất cả các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt . Theo đánh giá chung, dù chưa có số liệu cụ thể, trẻ khuyết tật chủ yếu mới tham gia giáo dục ở cấp tiểu học. Số trẻ khuyết tật đi học cấp THCS chưa nhiều và THPT còn rất ít (có báo cáo nêu chưa tới 10% trẻ khuyết tật 11-14 tuổi đến trường ).
Nếu tính từ những năm đầu của thập kỉ 90 thế kỉ XX với khoảng hơn 7000 trẻ khuyết tật đi học thì đến nay số trẻ khuyết tật đã được đi học tăng khoảng 100 lần. Tuy nhiên, mục tiêu đạt được so với kế hoạch phát triển giáo dục 2001-2010 thì còn rất xa mới đạt yêu cầu. Do đó, chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 lại phải điều chỉnh mục tiêu và phấn đấu tới 2020 sẽ có 70% tổng số trẻ khuyết tật được đi học, bằng chỉ số của 2010.
Việt Nam chưa có tiêu chí chung về xác định khuyết tật. Do có những tiêu chí khác nhau về việc xác định trẻ khuyết tật nên các số liệu về trẻ khuyết tật không đi học của các công bố khác nhau cũng không giống nhau. Ví dụ: Vụ GDTH cho biết năm học 2012-2013 có 68.711 học sinh khuyết tật đi học tiểu học (cả chuyên biệt và hòa nhập). Theo số liệu của Bộ GD&ĐT năm 2013 có 7,202,767 học sinh tiểu học. Không tính số trẻ chưa đến lớp, nếu theo khảo sát của Viện KHGDVN thì tỉ lệ học sinh khuyết tật so với học sinh trong độ tuổi chiếm khoảng 3,47%. Nghĩa là số học sinh khuyết tật ở tiểu học sẽ nhiều hơn 249.936 trẻ khuyết tật. Nếu theo tỉ lệ mà Bộ LĐ, TB&XH đưa ra thì sẽ có hơn 338.530 trẻ khuyết tật tuổi tiểu học. Tuy nhiên, thống kê của các địa phương gửi đến Bộ GD&ĐT thì có thể tiêu chí về trẻ khuyết tật không giống với tiêu chí của hai cơ quan nghiên cứu trên đưa ra. Vì vậy, không thể khẳng định là chỉ có khoảng 20-28% trẻ độ tuổi tiểu học đến lớp được.
Mặt khác, cho đến nay, Luật Người khuyết tật đã có những qui định về xác định mức độ khuyết tật nhưng các qui định này vẫn nghiêng về lĩnh vực y tế nhiều hơn. Trong khi đó, nhiều dạng khuyết tật, nhất là khuyết tật học tập thì rất khó có thể xác định nhanh qua các biện pháp kiểm tra y tế mà đòi hỏi phải có sự tham gia của các chuyên gia tâm lí, giáo dục, xã hội. Nói cách khác là cụ thể hóa việc xác định các dạng và mức độ khuyết tật theo luật vẫn chưa được triển khai đồng bộ nên gây không ít khó khăn cho việc đề ra các chính sách, chế độ cho giáo dục trẻ khuyết tật.

So với thành tựu chung của giáo dục thì giáo dục trẻ khuyết tật vẫn còn có khoảng cách tương đối lớn và việc thực hiện để rút ngắn cũng gặp nhiều khó khăn. Đánh giá về vấn đề này, trong chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 đã nêu: ”Ở trong nước, sự phân hóa trong xã hội có chiều hướng gia tăng… gây nguy cơ dẫn đến sự thiếu bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, gia tăng khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các vùng miền và cho các đối tượng người học”. Nguyên nhân của thực trạng này có rất nhiều nhưng tập trung vào một số nguyên nhân chính sau:
Nguyên nhân của thành tựu

- Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và dành nhiều ưu tiên cho việc giáo dục nói chung và giáo dục trẻ khuyết tật nói riêng. Các chủ trương, định hướng giáo dục đúng đã huy động được nhiều trẻ khuyết tật đến trường và huy động được sự tham gia, đóng góp của cộng đồng vào giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật.
- Kinh tế, văn hóa, xã hội và đặc biệt là khoa học, kĩ thuật phát triển nhanh, tạo điều kiện tốt cho việc chăm sóc, giáo dục đối tượng trẻ có nhiều khó khăn nhất - trẻ khuyết tật.
- Xu hướng giáo dục hòa nhập là xu hướng chung được các nước có nền giáo dục hiện đại chọn lựa nên có những tác động tốt, tích cực cho giáo dục trẻ khuyết tật Việt Nam.
- Truyền thống văn hóa của người Việt Nam với tinh thần tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách là cơ sở tốt cho thực hiện giáo dục hòa nhập.
- Giáp dục trẻ khuyết tật Việt Nam, đặc biệt là giáo dục hòa nhập đã nhận được sự hỗ trợ, hợp tác của nhiều cá nhân, tổ chức trong nước và trên thế giới. Các tổ chức như: WB, UNESCO, UNICEF, World Vision, Plan, K2, VISIO, ICEVI, CRS, CBM, ON-NET… đã hỗ trợ rất hiệu quả cho giáo dục hòa nhập Việt Nam trong nhiều năm qua.
Nguyên nhân của hạn chế
- Chủ trương, chính sách đã đưa ra tuy đã bảo đảm để trẻ khuyết tật được tham gia giáo dục nhưng chưa thực sự sát với thực tế phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Ví dụ: những qui định về việc các cơ sở giáo dục bắt buộc phải tiếp nhận học sinh khuyết tật và tạo đủ điều kiện để học sinh tham gia học hòa nhập. Tuy nhiên, tại đã số các cơ sở này, cả giáo viên, cán bộ QLGD chưa được đào tạo, bồi dưỡng về giáo dục, dạy học hòa nhập trẻ khuyết tật. Cơ sở vật chất các trường học vẫn chưa đảm bảo cho các cho trẻ không khuyết tật học và chưa có nguồn để cải tạo, phục vụ cho việc tham gia giáo dục, học tập của học sinh khuyết tật…
Giáo dục hòa nhập cho mọi trẻ em chỉ có thể được thực hiện khi quyền bình đẳng tham gia giáo dục của mọi trẻ em được bảo đảm. Vì trẻ ở độ tuổi học, trẻ chưa đủ năng lực để nhận thức đầy đủ và tự bảo vệ quyền của mình nên các văn bản qui phạm pháp luật cần có qui định việc bảo đảm thực hiện quyền được bình đẳng tham gia giáo dục của trẻ là trách nhiệm của gia đình, Nhà nước, nhà trường và xã hội. Trong các chính sách hiện tại chưa nêu được trách nhiệm hành chính cụ thể của gia đình, nhà trường và cộng đồng nơi trẻ sinh sống trong việc bảo đảm quyền được bình đẳng cơ hội tham gia giáo dục của trẻ. Nếu trong các chính sách có qui định cụ thể về khuyến khích, khen thưởng hay kinh phí hoặc sử phạt về hành chính, kinh phí nếu không bảo đảm các điều kiện để mọi trẻ em đều có thể tham gia và hoàn thành phổ cập tiểu học thì chắc chắn các qui định này sẽ dễ đi vào đời sống hơn.
- Chính sách được xây dựng chưa thực sự phù hợp với chủ trương. Ví dụ: chọn giáo dục hòa nhập là hướng chủ yếu nhưng kinh phí hỗ trợ giáo viên dạy học trẻ khuyết tật chỉ dành cho giáo viên dạy học chuyên biệt. Kinh phí và các nguồn hỗ trợ cũng chỉ mới tập trung cho học sinh học tại các trường chuyên biệt, chưa chú trọng tới học sinh học hòa nhập. Việc miễn, giảm kinh phí được qui định nhưng chưa đầy đủ vì chi phí thực trong giáo dục đòi hỏi gia đình phải đóng góp nhiều khoản mà gia đình trẻ khuyết tật thường nghèo hơn nên khó có thể đáp ứng được.
- Chưa có nghiên cứu, thống nhất về tiêu chí xác định học sinh khuyết tật. Vì vậy, việc thực hiện các chính sách, tổ chức giáo dục gặp rất nhiều khó khăn.
- Chương trình, sách giáo khoa/tài liệu dạy học được biên soạn chưa thực sự chú trọng tới các đặc điểm phát triển của trẻ khuyết tật nên chưa thể phù hợp với việc tham gia giáo dục của trẻ khuyết tật. Các tài liệu phục vụ dạy, học trẻ khuyết tật thường có giá thành cao hơn nhiều lần so với tài liệu phổ thông nên sẽ nằm ngoài khả năng chi trả của nhà trường và gia đình học sinh.
- Hệ thống dịch vụ phục vụ cho giáo dục trẻ khuyết tật nói chung và giáo dục hòa nhập chưa phát triển, chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu cần thiết. Ví dụ: chưa có mạng lưới tư vấn, hướng dẫn cho giáo viên, phụ huynh; cung cấp phương tiện, thiết bị đặc thù cho giáo viên, học sinh; thực hiện các hỗ trợ thường xuyên và đột xuất trong giáo dục hòa nhập…
- Theo Luật Người khuyết tật thì việc điều chỉnh chương trình giáo dục cho trẻ khuyết tật sẽ do Trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều địa phương chưa có Trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập và các trung tâm tại nhiều địa phương chưa đủ mạnh để đảm bảo thực hiện chức năng theo qui định trong luật Người khuyết tật.
- Giáo dục hòa nhập phát triển tại Việt Nam từ năm 1991, sau khi Viện KHGDVN thí điểm thành công tại một số địa phương. Tuy nhiên, đến nay, nhận thức về giáo dục hòa nhập trong xã hội vẫn chưa thực sự đầy đủ. Những định kiến về trẻ khuyết tật tham gia giáo dục vẫn còn tương đối nặng nề, kể cả trong cán bộ của ngành giáo dục.
- Cơ sở hạ tầng xã hội chưa đáp ứng được việc tham gia sinh hoạt và giáo dục hòa nhập của người khuyết tật (các công trình giao thông, văn hóa, xã hội phục vụ cộng đồng và cả các phương tiện thông tin đại chúng, chưa xem xét tới việc tham gia hoạt động chung của người khuyết tật).
3. Một số giải pháp chiến lược và chính sách phát triển giáo dục hòa nhập tại Việt Nam
Giáo dục hòa nhập được lựa chọn làm định hướng chủ đạo trong giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Trẻ có hoàn cảnh đặc biệt được bảo đảm bình đẳng tham gia và tạo điều kiện để được phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Giáo dục đã định hướng để trẻ em không chỉ là đối tượng mà còn là chủ thể tích cực tham gia giáo dục. Mục tiêu hình thành các phẩm chất, phát triển các năng lực thông qua giáo dục tính năng động, sáng tạo, tích cực tham gia vào quá trình giáo dục của học sinh đã được khẳng định trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo Việt Nam. Để đảm bảo bình đẳng tham gia giáo dục với chất lượng cao của trẻ khuyết tật thì cần thực hiện một hệ thống các giải pháp cơ bản sau:
- Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp qui đủ mạnh, bảo đảm cơ hội bình đẳng tham gia giáo dục hòa nhập với chất lượng cao của trẻ khuyết tật.

Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật là lĩnh vực cần được giải quyết với sự tham gia của nhiều ngành khác nhau. Vì vậy, cần có sự thống nhất trong các văn bản qui phạm pháp luật của các ngành về vấn đề này. Trong các văn bản pháp luật cũng cần có thêm qui định về quyền hạn, trách nhiệm và những chế tài cần thiết nếu không thực hiện đúng về giáo dục trẻ khuyết tật đối với các liên đới. Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích bảo đảm cho giáo viên, học sinh khuyết tật dạy học hòa nhập. Cụ thể là cần có qui định hỗ trợ kinh phí cho giáo viên dạy và học sinh khuyết tật học hòa nhập.
- Xây dựng một cơ quan quản lí thuộc Bộ GD&ĐT có đủ chức năng, nhiệm vụ tầm như cấp vụ để chỉ đạo, quản lí công tác giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Hiện tại, Bộ GD&ĐT có Ban chỉ đạo giáo dục trẻ khuyết tật nhưng các thành viên của Ban là các cán bộ lãnh đạo từ các cục, vụ viện khác nhau, không chuyên và chưa hoạt động, theo dõi thường xuyên, chưa đủ mạnh để chỉ đạo, quản lí vấn đề này nên chưa thể bảo đảm cho việc tham gia giáo dục của tất cả trẻ có hoàn cảnh đặc biệt.

- Phối hợp đa ngành trong việc xây dựng các tiêu chí xác định trẻ khuyết tật.
Xây dựng các tiêu chí xác định trẻ khuyết tật với đầy đủ các dạng, các mức độ để làm cơ sở cho việc xây dựng các chương trình giáo dục, tài liệu học tập và các chính sách hỗ trợ giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật. Việc xác định dạng và mức độ khuyết tật cần có sự tham gia của đa ngành: Y tế, Giáo dục, Tâm lí, Xã hội…
- Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ giáo viên, phục vụ cho giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật.
Giáo viên là người trực tiếp tổ chức, thực hiện chương trình giáo dục. Chuẩn bị giáo viên giáo dục hòa nhập là nhiệm vụ cần phải làm ngay trong các cơ sở đào tạo của ngành sư phạm. Tuy nhiên, trong quá trình giáo dục hòa nhập thì giáo viên chắc chắn sẽ làm việc với trẻ có nhiều dạng, mức độ khuyết tật khác nhau. Rất khó đào tạo để một giáo viên có thể dạy học tốt cho tất cả trẻ với những dạng khuyết tật khác nhau. Vì vậy, bên cạnh việc chuẩn bị những nội dung chung về giáo dục hòa nhập cho mọi giáo viên thì các cơ sở giáo dục hòa nhập cần phải được các chuyên gia giáo dục đặc biệt sẵn sàng hỗ trợ cho giáo viên đứng lớp và tư vấn cho phụ huynh, những người quan tâm về giáo dục hòa nhập cho từng đối tượng trẻ khuyết tật. Việc hỗ trợ cho trường hòa nhập chủ yếu sẽ do các chuyên gia của các Trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập địa phương tiến hành. Các địa phương, cơ sở giáo dục có điều kiện, có thể xem xét đến việc bố trí chuyên gia giáo dục đặc biệt tại trường hòa nhập để có thể tham gia trực tiếp, thường xuyên vào quá trình giáo dục, dạy học.

Tại những vùng thành thị hoặc thuận lợi về giao thông có thể tổ chức cho trẻ có cùng dạng khuyết tật học hòa nhập tại một hoặc một vài cơ sở để có thể tập trung tốt hơn các nguồn lực, nâng cao chất lượng giáo dục, dạy học.
Việc bồi dưỡng nâng cao về giáo dục hòa nhập cho giáo viên cần được đưa vào kế hoạch hoạt động thường xuyên hàng năm của ngành.
- Phát triển mạng lưới Trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập tại tất cả các tỉnh/thành phố trong toàn quốc
Giáo viên và học sinh tại các cơ sở giáo dục hòa nhập cần nhận được sự hỗ trợ, tư vấn thường xuyên. Trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập có chất lượng đảm bảo đúng chức năng qui định trong Luật Người khuyết tật sẽ là điểm tựa cho phát triển giáo dục hòa nhập tại các địa phương.
- Xây dựng mạng lưới dịch vụ giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật.
Để phát triển giáo dục hòa nhập có chất lượng thì các dịch vụ thông tin, tư vấn, hỗ trợ, cung cấp phương tiện, đồ dùng dạy học cần được triển khai rộng khắp đến từng địa phương trong toàn quốc. Mạng lưới dịch vụ được xây dựng rộng khắp sẽ giúp cho giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh và mọi cá nhân, tổ chức quan tâm đến giáo dục trẻ khuyết tật có thể nhanh chóng tiếp cận để đáp ứng nhu cầu tham gia hoặc chăm sóc, hỗ trợ nâng cao chất lượng giáo dục hòa nhập. Dịch vụ có thể tổ chức qua mạng truyền thông đại chúng, internet, Trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập, các cá nhân, tổ chức có chuyên môn.
- Tăng cường thông tin, tuyên truyền về giáo dục hòa nhập
Mở rộng thông tin, tuyên truyền về giáo dục hòa nhập tới mọi người dân. Trong chương trình giáo dục, sách giáo khoa/tài liệu dạy học cần chú trọng đến việc tham gia giáo dục của trẻ khuyết tật, tránh các nội dung có thành kiến, phân biệt đối với người có hoàn cảnh đặc biệt. Cần đưa các nội dung tích cực, những tấm gương, sự tham gia vào các hoạt động nghề nghiệp, các vị trí xã hội, các đóng góp cho xã hội… của người khuyết tật.
Thường xuyên đưa các thông tin về quyền, nghĩa vụ của trẻ em và trách nhiệm của gia đình, xã hội trong việc bảo đảm quyền bình đẳng tham gia, thực hiện phổ cập giáo dục của mọi trẻ em, không phân biệt hoàn cảnh xuất thân và đặc điểm phát triển cá nhân. Khả năng và nhu cầu của trẻ khuyết tật và cách điều chỉnh các điều kiện (nguồn lực, cơ sở vật chất, hành vi con người…) để có tổ chức hoạt động chung của trẻ khuyết tật với bạn hoặc trong xã hội cần được đưa đến cho cộng đồng bằng các kênh thông tin khác nhau.

- Tăng cường hợp tác, tranh thủ sự hỗ trợ của các cá nhân, tổ chức trong giáo dục trẻ có hoàn cảnh đặc biệt.
Rấ nhiều các cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài đang hỗ trợ cho giáo dục trẻ khuyết tật Việt Nam. Tuy nhiên, sự hợp tác trong một tổng thể để thực hiện kế hoạch chung chưa được tốt. Nhiều cá nhân, tổ chức chưa chia sẻ thông tin, kinh nghiệm cho nhau, dẫn tới sự chồng chéo làm giảm hiệu quả của việc hỗ trợ. Vì vậy việc xây dựng một kế hoạch tổng thể chung và huy động sự tham gia của các cá nhân, tổ chức một cách khoa học sẽ tận dụng được tốt hơn các nguồn lực, kinh nghiệm của các cá nhân, tổ chức, nâng cao hiệu quả giáo dục hòa nhập.
Với sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước trong giai đoạn thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam được toàn dân nhiệt tình ủng hộ và sẵn sàng tham gia, các cá nhân, tổ chức quốc tế luôn tích cực hỗ trợ, nếu kịp thời áp dụng những giải pháp thiết thực thì giáo dục hòa nhập chắc chắn sẽ đạt được những bước phát triển nhanh chóng, bền vững. Mục tiêu bảo đảm bình đẳng về cơ hội tham gia và hoàn thành phổ cập giáo dục của trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có trẻ khuyết tật sẽ trở thành hiện thực.

SHARE

tuvantretuky.com

THE SON-RISE PROGRAM - "BƯỚC KHỞI ĐẦU TỐT NHẤT CHO PHỤ HUYNH VÀ TRẺ TỰ KỶ".

    Blogger Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét