HỘI NGHỊ QUỐC TẾ VỀ TỰ KỶ MALAYSIA 2014


TÓM TẮT HỘI THẢO QUỐC TẾ VỀ TỰ KỶ MALAYSIA 2014 (INTERNATIONAL SEMINAR ON AUTISM MALAYSIA - ISAM 2014)
 Nhà tổ chức: Permata, Autism Speak (New York), Universiti Kebangsaan Malaysia. Hội thảo được hỗ trợ bởi Văn phòng Thủ tướng chính phủ, Bộ Phụ nữ và Gia đình, Bộ Giáo dục

Có hơn 30 nước và khoảng gần một nghìn người tham dự. Địa điểm tổ chức là Putrajaya. Putrajaya là một thành phố mới, hiện đại, thành lập từ năm 1995, là trung tâm hành chính mới của liên bang Malaysia

Khẩu hiệu chính của Hội thảo: "Autism Is Not A Tragedy, Ignorance Is" - Tự kỷ không phải là thảm họa, sự thờ ơ mới chính là thảm họa.

Đoàn Việt Nam có 11 người tham gia, Phó Chủ tịch VAN Phạm Thị Kim Tâm là trưởng đoàn. Trong đoàn có 7 người từ Hà Nội, một từ Quảng Ninh, một từ Hải Phòng, hai từ TP Hồ Chí Minh.

Nội dung:
1. Ngày thứ nhất
- Phiên Khai mạc:
+ Phát biểu của Phu nhân Thủ tướng: bà Datin Sri Rosmah Mansor
Trong bài phát biểu của mình, bà Phu nhân Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của Autism Speak, tổ chức đã truyền cho bà cảm hứng và sự thay đổi nhận thức về tự kỷ, những việc cần thiết phải làm vì người tự kỷ. (Hội thảo này được tổ chức từ nguồn quĩ mà bà Phu nhân đã thành lập)
+ Phát biểu của Thủ tướng: Dato' Sri Mohd Najib Tun Abdul Razak
Thủ tướng nhấn mạnh đứa trẻ nào cũng cần được yêu thương. Bố mẹ trẻ tự kỷ cần được tạo điều kiện để chăm sóc đứa con của mình. Cộng đồng cần nâng cao nhận thức về tự kỷ. Những người làm việc với trẻ tự kỷ cần phải được trang bị kỹ năng. Cần có những trung tâm can thiệp chất lượng cho trẻ tự kỷ.

- Phiên đề dẫn: Bài đề dẫn của bà Phu nhân Thủ tướng
Trong bài này, bà đề cập đến những khó khăn của trẻ tự kỷ và gia đình có người tự kỷ. Bà cũng đề cập đến mối lo ngai tỷ lệ tự kỷ gia tăng mạnh trong những năm gần đây. Nhưng không thể để đứa trẻ nào bị bỏ lại phía sau, nhất là trong giáo dục. Cần phải có những trung tâm thật sự có chất lượng cho việc chẩn đoán và can thiệp. Quốc gia cần có kế hoạch đào tạo chuyên gia và giáo viên một cách bài bản, để có sự can thiệp tốt nhất và đúng cách nhất cho mọi trẻ em tự kỷ.

- Phiên đặc biệt: Tiếng nói của các đệ nhất phu nhân
Trong phiên này, 6 vị đệ nhất phu nhân của 6 quốc gia đã chia sẻ kinh nghiệm của đất nước mình. Đây là 6 quốc gia có ký cam kết phát triển, nâng cao hiệu quả chương trình can thiệp cho tự kỷ, đó là: Albani, Morocco, Srilanca, Sudan, Kyrgyzstan

- Phiên 1: Bộ chẩn đoán DSM-5, thuyết trình của Dr. Young Shin-Kim, đại học Yale. Hỏi đáp.

- Phiên 2: Cập nhật những nghiên cứu mới về tự kỷ, thuyết trình của Dr. Andy Shih, Autism Speak

- Thảo luận theo chủ đề (chia 3 phòng họp)
+ Chủ đề 1: Kỹ năng mềm cho các nhà cung cấp dịch vụ, thuyết trình và giải đáp thắc mắc: Dr. Andy Shih
Trong phần này, Andy nhấn mạnh việc các nhà cung cấp dịch vụ trị liệu phải tạo ra được tam giác bền vững giữa trẻ - gia đình - trường học (nơi trị liệu). Nhà cung cấp dịch vụ phải được trang bị khả năng hiểu tâm lý phụ huynh và được phụ huynh tin tưởng, có phương pháp thuyết phục phụ huynh.
+ Chủ đề 2: Can thiệp trẻ tự kỷ trong môi trường giáo dục. Thuyết trình và giải đáp: Giáo sư Connie Kasari (University California Los Angeles)
Chủ đề này được trình bày rất hấp dẫn. Giáo sư khuyên nên tạo ra những cặp bạn bè giữa trẻ thường và trẻ tự kỷ, và người giáo viên chỉ đóng vai trò hướng dẫn, hỗ trợ. Trẻ không chỉ học từ giáo viên, mà còn học từ bạn bè, mà hiệu quả đến từ việc học bạn bè còn cao hơn. Giáo viên cần phải có phương pháp hướng dẫn trẻ thường trợ giúp trẻ tự kỷ như thế nào trong lớp học, để hình thành vòng tay bè bạn. Giáo viên cũng chỉ cần chỉ ra đường lối, còn lại để học trò tự tìm ra cách thức và phương pháp tiếp cận, giúp đỡ bạn tự kỷ. Trẻ con đôi khi tìm ra con đường ngắn hơn và hiệu quả hơn, giáo viên chỉ can thiệp khi thật sự cần thiết.
+ Chủ đề 3: Mô tả một dự án của Autism Speak thực hiện ở Srilanca: đào tạo những chuyên gia nghiệp dư hỗ trợ trẻ tại cộng đồng. Thuyết trình: Dr. Samanmall Priyanga Sumanasena Kularatne, đại học Kelaniya
Phần này mô tả dự án đang được thực hiện một cách bài bản ở Srilanca, với sự phối hợp của các ngành, các chương trình đào tạo, huấn luyện chuyên gia, người hướng dẫn trẻ, cha mẹ...

2. Ngày thứ 2
- Phiên 3: Chuẩn đánh giá DSM-V và hiệu quả. Thuyết trình: Dr. Ranjini S. Sivanesom (bệnh viện Kuala Lumpur)
Báo cáo đề cập các kết quả thực tiễn của việc áp dụng DSM-V trong đánh giá và can thiệp

- Phiên 4: Chiến lược can thiệp sớm. Thuyết trình: Giáo sư Connie Kasari
Trong phần này, Giáo sư chủ yếu thuyết trình dựa trên ABA, một phương pháp đã có chứng cứ khoa học ổn định. Yêu cầu của chương trình can thiệp sớm theo ABA là người trị liệu phải được đào tạo bài bản. Chương trình nhằm vào mục đích phát triển nhận thức cho trẻ. Kinh nghiệm cho thấy đối với trẻ chức năng cao, nên sớm phát triển chương trình can thiệp theo nhóm, với trẻ thấp, cần sử dụng can thiệp 1-1 nhiều thời gian hơn. Các mục tiêu của can thiệp thường bám theo sự phát triển của trẻ thường.

- Phiên đặc biệt: Báo cáo mô hình, chiến lược can thiệp của một số nước

- Thảo luận theo chủ đề (chia 3 phòng họp)
+ Chủ đề 4: Phát hiện và can thiệp sớm. Thuyết trình: Dr. Cheryl Dissanayake
Trong phần này, có đề cập công cụ sàng lọc là SACS. Vai trò của cha mẹ được đề cao. Chuyên gia không phải lúc nào cũng giải quyết được vấn đề. Chỉ có cha mẹ mới có khả năng hòa mình vào con, tạo nên sự tin tưởng của con, cùng vào thế giới của con và sau đó dần hướng con ra thế giới bên ngoài. Nhưng để cha mẹ can thiệp hiệu quả, cần phải được đào tạo. Cần hiểu và làm đủ số giờ can thiệp cần thiết. Trong quá trình can thiệp, bố mẹ nên ghi lại nhật ký. Bố mẹ cũng cần phải có một mạng lưới để chia sẻ kinh nghiệm. Và bên cạnh đó, cần sự hỗ trợ của cộng đồng và hỗ trợ từ phía chính quyền.

+Chủ đề 5: Kỹ năng xã hội. Thuyết trình: Madam Jochebed Isaacs
Vẫn trên nền phương pháp ABA, phần này là các chiến lược dạy các kỹ năng xã hội. Nguyên tắc vẫn là chia từng bước nhỏ, sử dụng mẫu, hình ảnh, lịch trình, câu chuyện xã hội, chơi luân phiên... Cần phải liên tục tạo ra cơ hội thực hành cho trẻ. Cần phải đánh giá đúng mức độ hiện có, các kỹ năng làm cơ sở, trước khi quyết định dạy kỹ năng tiếp theo

+Chủ đề 6: Sử dụng công nghệ (Ipad). Thuyết trình: Dr. Wu, Ruth Yu Yu
Phần này giới thiệu một ứng dụng chạy trên Ipad dùng cho trẻ không có ngôn ngữ. Trẻ có thể sử dụng những biểu tượng hoặc hình ảnh để trình bày điều muốn nói (Ipad tự đọc câu khi nhấn vào biểu tượng). Danh mục các hình ảnh và biểu tượng có thể tự cập nhật, tự sáng tạo thêm. Ứng dụng này đã thử nghiệm trong thực tế và cho thấy rất hiệu quả để phát triển ngôn ngữ cho trẻ chậm nói ở bất cứ độ tuổi nào.

- Thảo luận theo chủ đề (Chia 3 phòng họp)
+ Chủ đề 7: Chiến lược hỗ trợ trẻ tự kỷ trong hòa nhập cộng đồng. Thuyết trình: Giáo sư Raja Juanita Lope
Chiến lược được trình bày bài bản từ việc cha mẹ lên kế hoạch từng bước cho các công việc sau: tiếp xúc với các bố mẹ của trẻ khác trong lớp con mình, gặp gỡ giáo viên, lập danh sách các việc cần làm để hỗ trợ con. Các hoạt động truyền thông, vận đồng cộng đồng đóng một vai trò lớn ở đây.
+ Chủ đề 8: Những thực hành tốt nhất trong sức khỏe cộng đồng cho người tự kỷ. Thuyết trình: Giáo sư Eric Fombonne, Giám đốc trung tâm nghiên cứu về tự kỷ, đại học Oregan
(Vì di chuyển phức tạp nên đoàn Việt Nam không có ai kịp đăng ký chủ đề này)

+ Chủ đề 9: Tuổi trưởng thành và giới tính. Thuyết trình: Giáo sư Mohd Saat Baki, đại học Selango
Đây là chủ đề có đông người tham gia nhất và thảo luận sôi nổi nhất. Trọng tâm giáo sư muốn nhấn mạnh là không cấm đoán những hành vi tính dục, nhưng phải tìm cách kiểm soát tốt. Nếu ham muốn quá mạnh phải có những phương pháp làm giảm bớt. Cần có những biện pháp tránh mang thai. Người dạy dỗ phải là người gần gũi nhất với trẻ.
(Chủ đề này sau đó còn tiếp tục bùng nổ tự phát cả trên xe buýt, cho đến cả phòng ở, với sự tham gia của một chuyên gia đến từ Hàn Quốc)

- Phiên bế mạc.

Khái quát lại, Hội thảo đã đề cập đến những vấn đề trọng tâm của hội chứng tự kỷ, bằng sự khái quát của các chuyên gia và các nhà nghiên cứu. Đây là sự gợi mở cho những chuyên đề cụ thể, những khóa học mà các đoàn tùy theo nhu cầu có thể đề xuất tổ chức. Ngoài phần nội dung chính trên, các phần hỏi đáp rất sôi động.

Ngoài kiến thức thu nhận được, đoàn Việt Nam còn tạo dựng được các mối quan hệ thân mật với các đại biểu và các chuyên gia. Điều đó sẽ mang lại lợi ích cho những hoạt động đào tạo, tập huấn, chia sẻ sau này.

SHARE

tuvantretuky.com

THE SON-RISE PROGRAM - "BƯỚC KHỞI ĐẦU TỐT NHẤT CHO PHỤ HUYNH VÀ TRẺ TỰ KỶ".

    Blogger Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét