Bác sỹ chuẩn đoán rối loạn phát triển có nên đi can thiệp sớm hay không?


Hỏi:
Em chào chị,em là thành viên mới đăng ký, em có đọc các bài viết của chị ở đây và rất khâm phục chị và cả nhiều mẹ ở trên này. Em biết rằng vào topic của chị mà hỏi về vấn đề của con em là bất lịch sự nhưng em thực sự rất hoang mang về trường hợp của con em nên rất mong nhận được ý kiến của chị. Em muốn hỏi chị xem liệu con em là tự kỷ hay chỉ là rối loạn phát triển . Em cũng đã cho bé đi khám ở viện nhi và mới đây cũng đã cho đến chỗ tiến sỹ Nguyễn Minh Đức để tư vấn, ở viện nhi thì họ khám rất qua loa và chỉ nói là cháu bị rối loạn phát triển cần theo dõi, còn chỗ TS nguyễn Minh Đức thì nói là cháu tăng động giảm chú ý có nét tự kỷ cần can thiệp. Em phát hiện ra cháu có vấn đề khi cháu được 19 tháng rưỡi,gọi không thấy cháu quay lại, chạy suốt ngày và không biết nguy hiểm, không chịu ngồi yên một chỗ, hay ném đồ chơi, đi nhón gót,cho đi học mẫu giáo thì không biết chơi với các bạn khác , hay xô đổ ghế, kéo ghế, hay cho các thứ linh tinh vào mồm, chưa biết nói, không biết chỉ tay.
Em đã cho cháu đi can thiệp riêng 1h/ngày ở một chỗ và cùng với đó là ở nhà ông bà bố mẹ chịu khó nói chuyện chơi với cháu. Đợt trước có một thời gian cháu ở cùng với người giúp việc từ lúc 11 tháng-18 tháng tuổi chủ yếu là trong phòng xem ca nhạc, tối về bố mẹ cũng ít trò chuyện cùng cháu do cháu ngủ sớm.Hiện nay sau hơn 1 tháng can thiệp em thấy cháu đã biết quay lại khi bố mẹ gọi, biết ạ khi yêu cầu,biết giơ tay ra để người khác bắt tay, cháu giao tiếp mắt cũng khá tốt, thích chơi với ông bà cha mẹ,thích chơi ú òa, chi chành, gặp người lạ cũng không sợ, có nhìn vào người lạ,mới nói được từ bố, đi, chi, đã biết chỉ tay nhưng chỉ lung tung chưa đúng yêu cầu, đã biết chỉ tay vào đồ vật yêu cầu, đã biết chơi giả vờ nghe điện thoại. Vấn đề của cháu bây giờ theo em thấy là vẫn chưa nói được nhiều từ,có phát âm ra nhưng phát âm linh tinh không rõ từ, vẫn chạy lao đầu về phía trước chưa biết nguy hiểm, hay ném đồ vật, hay cáu, không chịu ngồi ghế hay ngồi bô,bám người thân, không chịu ngồi chơi một chỗ lâu,không tập trung khi mẹ dạy một điều gì, vẫn chưa biết chỉ các bộ phận trên cơ thể (khi bảo cháu nhấc chân lên để mặc quần hay giơ chân lên để đi dép thì biết nhâc chân), sức khỏe yếu, ăn được không kén đồ ăn nhưng hay bị rỗi loạn tiêu hóa nên không tăng cân được.
Hiện nay em đang định cho cháu đi học mẫu giáo thường cạnh nhà ban ngày,bà đón cháu về sớm tầm 4 h về ,tối 7 h đèo cháu đến chỗ TT của TS Nguyễn Minh Đức học can thiệp 1h vào các ngày từ T2-T7. Các bạn ở TT của TS Đức cũng nói sẽ hướng dẫn cách chơi với cháu ở nhà cho gia đình.Nhưng em đọc trong topic nói rằng nếu cháu đúng bị tự kỷ thì chỉ can thiệp tâm lý không là chưa đủ ,mà hiện giờ cháu mới 21 tháng đang trong giai đoạn vàng để can thiệp nếu can thiệp không hợp lý sẽ làm mất đi giai đoạn vàng để can thiệp cho cháu.

Trả lời:
Chào em, chị đã đọc rất kĩ những dòng em viết. Qua đó chị thấy em cũng đã đọc nhiều tài liệu, đã hiểu biết về tự kỷ cũng như đánh giá được những gì con của em đang thiếu so với trẻ bình thường cùng trang lứa.

Để kết luận con em không tự kỷ thì hơi khó, để kết luận con em bị rối loại phát triển, tăng động giảm chú ý thì đã rõ rồi. Vì con em hiện nay là 20 tháng tuổi đúng ko? Ở tuổi này, nếu là tự kỷ điển hình thì chẩn đoán được rồi. Các bác sĩ ở khoa tâm bệnh viện Nhi nếu khám chuẩn thì họ cũng kết luận được. Em có thể nghi ngờ thì xin gặp bs Thúy, khám lại nhé, chị ấy có tâm và có kinh nghiệm.
Ai cũng nói bất luận con là ai, mắc chứng gì mà nhìn rõ con có vấn đề thì cứ can thiệp. Nhưng là một người mẹ đã trải qua những năm tháng đầu tiên ấy rồi, chị biết rất rõ ai cũng muốn biết con mình chắc chắn là bị cái gì, có thể loại hai chữ tự kỷ ra không?
Nhưng nói cho em biết, cũng bằng kinh nghiệm chị thấy, nếu ko tự kỷ mà rối loạn phát triển, tăng động giảm chú ý, hay chậm trí đôi chút, … cũng đều là những vấn đề đeo đẳng cả cuộc đời mà mình phải chiến đấu với nó.
Còn cách trị liệu những chứng ấy có gì khác nhau ko? Có thể trả lời rằng Có khác và Không khác. Như ở Tây, tất cả những thứ ấy họ cho học chung một trường, như vậy trị liệu là không khác. Nhưng mặt khác, ngay cả cùng mắc chứng tự kỷ, cùng một cái chẩn đoán tự kỷ nặng điển hình chẳng hạn, thì can thiệp trên mỗi trẻ là hoàn toàn khác nhau, vì tự kỷ cũng là một phổ, mỗi trẻ có điểm mạnh và điểm yếu khác nhau.
Nói một cách khác, các phương pháp tổng quan là giống nhau, nhưng can thiệp trên mỗi trẻ là khác nhau.
Nếu như con em can thiệp chỗ TS Đức thì cũng có khác gì can thiệp ở các trung tâm khác ko? Em thử tìm hiểu xem. Ko hẳn anh ấy học vê tâm lý thì là can thiệp liệu pháp chỉ là tâm lý, bởi vì đó là nơi can thiệp cho trẻ tự kỷ nữa mà, họ cũng thu nhập nhiều liệu pháp chung chứ, chị đoán thế thôi chứ chưa thực sự tìm hiểu, anh Đức thì chị biết. Nhưng cũng ko phải anh ấy làm mà là nhân viên làm đấy. Và thực ra, ở VN, việc phó thác cho các trung tâm hay bất cứ cô giáo thầy giáo thầy thuốc nào là không hề nên.
Việc can thiệp và tương tác của cha mẹ, gia đình và hoàn cảnh sống mới vô cùng quan trọng tới sự phát triển của đứa trẻ.
Vì thế, khi em đã tin tưởng mà hỏi chị, thì chị cũng giành thời gian tâm huyết đọc và khuyên em thế này
1. Song song vẫn đi tìm câu trả lời con ơi, con mắc chứng gì. Cái đó nó cũng có đôi chút tốt để quyết định kế hoạch cuộc sống, việc làm, … cho cả gia đình nữa, trong từng giai đoạn.
2. Em hãy học cách can thiệp với con thông qua tài liệu, thông qua các cha mẹ có kinh nghiệm, thông qua các khóa học bổ túc kiến thức mà có ở VN.
3. Khi em trải qua được ngần ấy thứ thì cũng đã đủ kéo dài cả 1-2 năm. Bởi vậy, cứ hành động ngay từ hôm nay là GIÀNH NHIỀU THỜI GIAN cho con. Tự con sẽ cho em lời giải đáp là em phải làm gì với con. Đừng lo sợ rằng người kia giỏi, uyên thâm còn em thì ko biết gì. Ko ai giỏi, ko chuyên gia nào giỏi và tốt cho con em bằng chính em.
Để chị kể cho em nghe:
Con chị có một số nhà trị liệu ngôn ngữ, trị liệu OT, trị liệu tự kỷ. Nhưng em có tin rằng họ trị liệu cho con em xong, ra khỏi cửa là điều đó bay ra khỏi đầu họ. HỌ ko hề biết, có thể biết, nhưng ko hề nhớ rằng hôm nay HM đã biết thêm một từ, hôm nay HM đã có một cử chỉ giao tiếp … Không, họ còn nhiều khách hàng khác, họ còn nhiều thứ để lo.
Nhưng, với chị HM là bức tranh sống động trong đầu chị (cùng với hai em của nó và chồng của chị). Nhất cử nhất động, suy nghĩ của họ đều trong đầu chị. Và vì thế, chỉ cần tích lũy kinh nghiệm, thì chị chính là nhà trị liệu tốt nhất cho đứa con của mình, dù là đứa bt hay bất thường.
Chị thường xuyên lập kế hoạch dạy con, nó có thể rất cầu kì, nhưng nó cũng có thể đơn giản, tùy theo từng giai đoạn, Nhưng tiên quyết phải là ghi ra giấy, ra máy tính … Rằng:
1- Động từ: có khoảng 50 động từ trẻ hay dùng, liệt kê 3 cột, tên động từ, từ con biết, từ con chưa biết. Chia thêm mức độ: biết diễn đạt (nói ra) hay là chỉ biết ở mức độ hiểu. Cứ đạt được kĩ năng nào là tuyệt vời kĩ năng đó.
2- Danh từ
3- Tính từ
4- Giới từ
5- Việc làm tự lập
6- Vẽ
Đó là khi còn bé, lớn chút tầm 4-5 tuổi trở lên thì có thêm phần kĩ năng học đường (đọc, viết, toán). Những từ vựng cơ bản con học lúc bé, rồi thì chắp nối thành câu nói 2 từ, 3 từ, 4-5 từ. Trong khi dạy con thì câu hỏi mà con cần phải học đầu tiên là Con gì dây, cái gì đay, màu gì đây. Ngoài những câu hỏi đó ra, thì những câu hỏi phức tạp hơn nữa đừng hỏi con nhiều (nếu khả năng của con hạn chế). Lớn dần lên, con sẽ cần học từng câu hỏi phức tạp hơn: Bố con tên là gì, mẹ con tên là gì, trường con tên là gì, địa chỉ là gì, số đt, bố ở đâu, cái gối đâu, con có được mua cái này không, con có được ăn cái này không, nhà con có mấy người, con không biết, cô nói cho con biết đi … những thứ đó chưa hề quan trọng với con (nếu khi bé con khó học), lớn lên, người bị nặng như HM nhà chị, cũng tự học số đt của bố để gọi khi cần. ĐIỀU QUAN TRỌNG ở giai đoạn đầu là cần cho con từ vựng cơ bản những hành động và sự vật quanh cuộc sống của con, để con biết nó là gì và gọi tên nó ra khi con cần tới nó. Thúc đẩy nhu cầu của con thật nhiều để con có thói quen sử dụng ngôn ngữ (nếu nói ra được thì dùng lời nói, ko nói ra được thì phải dùng tranh ảnh để diễn đạt cái thứ con muốn tức là PECS đó)
Chỉ cần luyện cho con kĩ năng học, kĩ năng phản xạ với lời nói, kĩ năng sử dụng lời nói để diễn đạt điều mình muốn. Khi đã có kĩ năng này, con lớn dần sẽ học được từ xung quanh, dựa theo trí tuệ của mình.
Có thể con em sẽ ko nặng, nên việc học sẽ khác lắm so với con chị.
Nhưng hãy bắt đầu như bây giờ là con đang gần như con số 0 về ngôn ngữ, thì cái cách lập kế hoạch mà chị liệt ra ở trên là em có thể áp dụng. Sau khi may mắn ngôn ngữ của con phát triển như vũ bão thì em ko cần phải liệt kê như thế. Chỉ cháu bé nào ngôn ngữ tiến chậm mới cần làm tỉ mẩn như vậy.
Em có tin là cái chuyên gia đến trị liệu cho con chị, họ ko bao giờ liệt kê như thế, ko biết chính xác HM đã biết những động từ nào rồi, ở mức hiểu là từ nào, mức sử dụng là từ nào? …. Như thế thì làm sao họ có ví dụ tốt để dạy con tiến bộ về ngôn ngữ. Mà ngôn ngữ chính là nòng cốt, hiểu ngôn ngữ con mới chỉnh sửa được hành vi.
Lý thuyết hay phương pháp gì cũng đều dựa trên một điều rằng đứa trẻ phải hiểu được ngôn ngữ lời nói và ngôn ngữ cử chỉ. Vậy em hãy xoáy vào hai thứ đó để giao tiếp, tương tác với con. Chị cũng đi từ đó với HM của chị. Có thể ban đầu con ngây ngô vụng dại, nhưng sống với một người mẹ đã đem đến cho nó một thế giới hiểu biết thế nào là ngôn ngữ lời nói thế nào là ngôn ngữ cử chỉ, … thì nó sẽ hiểu, và dần dần nó sẽ sử dụng.
Mặc dù nó có thể tiến chậm hay nhanh, là tùy khả năng mỗi đứa trẻ, mà cha mẹ phải tỉ mẩn, bền bỉ tới cỡ nào.
Chị có một cô giáo người VN biết tiếng Đức, ban đầu em ấy ko hiểu nhiều về trẻ tự kỷ, rồi dần dần làm việc với HM, với chị, em ấy đã chỉ có một mình HM và tự viết một số bài dạy HM học. Nếu như em tìm được những giáo viên như thế với con em, thì sẽ là tốt hơn khi ở trung tâm. Nhưng việc con đi hòa nhập ở trung tâm hay trường học cũng là cần thiết.
SHARE

tuvantretuky.com

THE SON-RISE PROGRAM - "BƯỚC KHỞI ĐẦU TỐT NHẤT CHO PHỤ HUYNH VÀ TRẺ TỰ KỶ".

    Blogger Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét