Bông kute - Nhật ký của Mẹ TV - Dài kỳ


Nhân một ngày đẹp trời, không nắng không mưa mẹ cháu quyết bon chen mở cái topic này. Mọi người khen Kute Bông tiến bộ mà mẹ ở gần con suốt nên cũng không cảm nhận được rõ lắm. Ghi lại những cố gắng của mẹ và con vừa để biết các mốc con đạt được vừa để chia sẻ với các chị, các em, các bạn trên diễn đàn này. Hì hì, các mẹ cứ nói Bông nhà em khá chứ cũng nhiều vấn đề lắm ạ, tại mẹ con cứ thích kể những điều con làm được mà ít nói đến các tồn tại của con thui, đọc các topic của các anh chị khác là thấy ngưỡng mộ lắm...

Ads: Phương pháp dạy trẻ tự kỷ hiệu quả cao, đến từ Mỹ, được áp dụng trên 100 quốc gia!

Bông kute được khám đến giờ là 3 tháng rồi, mẹ con cũng hòm hòm tư tưởng ổn ổn một chút, trừ những khi bị kích động là cũng quay lại sướt mướt một tí, được cái giờ mẹ cháu cũng dễ lấy lại thăng bằng rùi.\
Bông 44 tháng, mới đi nhà trẻ được gần 3 tháng và 3 tháng đi nhà trẻ mang lại cho con rất nhiều thay đổi, mẹ muốn viết rất nhiều mà chẳng biết bắt đầu từ đâu câu chuyện về con, thôi hôm nay cứ khai trương tàm tạm vậy đã, nhìn quanh thấy cơ quan vắng vắng rồi, ngẩng lên thấy cũng sắp đến giờ đón con rồi, mẹ chuồn ra trường với con gái yêu cái đã

Sáng nay đi học con khóc ơi là khóc, đã 3 tháng rồi mà cứ hôm nào nghỉ lâu lâu 1 tí là đi học lại khó khăn, lại bắt đầu trả lời cô lí nha lí nhí. Sáng ra đã mặc cả: sáng nay con nghỉ, thấy mẹ không nói gì là cô nàng tươi cười lắm, bố bảo:tí lên xe lại giở mặt ngay ấy mà. Mẹ thì quen rồi, hôm nào cô nàng chẳng lải nhải: mẹ ơi con không đi lớp suốt từ nhà ra đến trường. Thế là dọc đường đi, qua nhà hàng xóm nào mẹ cũng luôn mồm: B thấy chưa, đấy chị NA đi học rồi, chị Thư đi lớp rồi, ra đường cứ bạn nào ngồi trên xe máy, mẹ lại bảo: bạn ấy đến trường kìa, không khóc đâu nhé, con thấy bạn ngoan không. Lúc nào bạn ấy thấy có bạn ngồi trên xe mà chỉ: bạn này cũng đi lớp, thế là ổn. Hôm nay lùng tùng quá nên hai mẹ con đến muộn, các bạn đã tập thể dục xong hết rồi. Nghe cái giọng nghẹn ngào trong nước mắt: mẹ vào với con là mẹ thấy lòng mình như xát muối, 3 tháng rồi mà vẫn thấy mắt mũi mình cay cay khi con khóc. Đón con không phải là cô giáo chủ nhiệm,cô thấy B khóc, nói to: nào B nín đi, nín ngay cô mới đưa vào lớp, mẹ còn phải đi làm, khoanh tay chào mẹ đi. Chà, sao mà mẹ ác cảm với những cô nói to thế không biết, cú lắm đấy, trẻ con khóc phải dỗ đã chứ, mẹ bước vội ra lấy xe. Chợt nhận ra lúc nào mình ra khỏi trường con cũng vội vội vàng vàng, cũng không phải vì mẹ vội đi làm đến thế mà mẹ vẫn thấy thật khó khăn khi nhìn gương mặt mếu máo của con. Có lúc đi học đã rất ngoan rồi mà cứ sau đợt nghỉ ốm là lại thế này. Dù sao cũng đỡ hơn những ngày đầu con nhỉ. Đối mặt với kết luận của bác sỹ và cuống cuồng đưa con đi trẻ, mẹ mấy tháng trước còn như người trên mây. Cứ mỗi lần nhớ đến cảnh con đuổi theo mẹ, vừa chạy vừa khóc, cô giáo phải đuổi theo mà mẹ vẫn thấy bùi ngùi. B chạy vẫn nhanh mà, mẹ thì phóng xe đi, ra khỏi trường con dừng xe khóc nức nở (hì hì, giờ nhớ lại có tí xấu hổ) và gọi điện cho bố mắng xơi xơi: mai anh đi mà đưa con đi lớp, em không chịu được nữa, hô hô, vô lý thật, sáng nào mẹ chẳng xung phong là người đưa con đi lớp chứ!!!Được mấy hôm thì B không giãy nảy đòi theo mẹ nữa, mẹ đưa sang tay cô là tự vỗ vào ngực, an ủi mình: nín đi, chiều mẹ đón sớm nhé (hi hi, nhại đấy mà). bây giờ vẫn ì èo, không thích đi lớp nhưng biết bảo mẹ: mẹ vào với con, mẹ cởi mũ đi, chà ,thế là có tiến bộ rồi. Lên cơ quan mà nghĩ thương Bông quá, phải lên gân lên cốt tí cho có tinh thần đưa con đi lớp tiếp. hic

Bố mới thông báo ngày mai bà nội xuống chơi với Bông, ái chà, mẹ rất vui nhưng tự dặn lòng phải cố gắng không để B nghỉ học, đành rằng bà nhớ cháu nhưng cố động viên bà ở thêm mấy ngày nghỉ với B chứ con vừa nghỉ một đợt dài lại nghỉ nữa thì không được rồi,sẽ đưa bà ra trường đón B, bà mới đi xa xuống nghỉ 1,2 hôm rồi đến ngày nghỉ của B là vừa, bà cũng muốn biết trường của con mà. Nhớ tầm tháng 4 năm ngoái về quê nội, lúc ấy con mới chỉ nói được 2 từ: chào bố, chào mẹ, còn chủ yếu là hét, về quê có các em, bật thêm được mấy từ nhưng đó cũng là dấu mốc quan trọng con bắt đầu phát âm được nhiều hơn, chỉ là phát âm thôi vì toàn nói lại các câu gọi mà, kiểu như hương ơi, chị ơi. Từ quê nội về được 3,4 tháng nhỉ mẹ mới bắt đầu mua tranh dạy con chỉ con vẹt, con gà, mẹ nhớ từ đầu tiên con đọc là con vẹt, ôi trời ơi, hồi ấy mẹ chẳng để ý can thiệp sớm là gì, chỉ đơn giản thấy con chậm nói thì mua tranh thôi, may là cũng đúng phương pháp dù lúc ấy con của mẹ đã gần 3 tuổi rồi. Điều làm mẹ chủ quan là vì con nhận thức tốt, khi 2 tuổi tuy chưa nói được nhưng hỏi ông đâu, bà đâu, bố đâu...đều chỉ đúng, sử dụng máy tính, điện thoại rất nhanh nên cái sự ngu dốt làm mẹ lại tưởng con thông minh nên chắc nhanh cái này phải chậm cái kia!!!Mẹ vẫn nhớ khi mẹ seach trẻ chậm nói trên mạng có một kiểu thử là thử xem con có thực hiện được các mệnh lệnh không, thế là về ngay lập tức nhờ Bông đóng cửa, thấy con ra đóng ngay, nhà mình lại có mấy chị cũng chậm nói nên mẹ con cứ yên tâm mà chờ đợi. Đến lúc thấy con bật ra được ngôn ngữ, à, cuối cùng cũng nói rồi, kiểu như chị T nhà bá Vân đây, rồi chị ấy vẫn thủ khoa ĐH đấy thôi. Thế nhưng dần dần mẹ lờ mờ nhận ra cái sự nói của con nó không như bình thương, con nói được câu dài, hát cả bài hát dài nhưng chẳng chủ động nói bao giờ, toàn là nói nhại, nhại đúng cả giọng điệu luôn, mẹ bắt đầu lo lắng. Mẹ nhớ mẹ đã từng hỏi bà: thế này có gọi là biết nói không mẹ nhỉ, hic, giá mà hồi ấy mẹ chỉ search 2 chữ tự kỷ hay nói nhại trên mạng chắc là mẹ đã cong đít lên rồi đấy chứ.
Gần đến sinh nhật con 3 tuổi mẹ quyết định ra Tết sẽ đưa con đi nhà trẻ, nếu 1, 2 tháng không tiến triển nhất định sẽ đưa con đi khám, đó là quyết định của mình mẹ dù cả nhà phản đối bởi con là cô bé niềm nở và dễ gần, hay cười quấn túm người thân,nhiều lúc cũng ăn vạ nhưng lại dễ xoa dịu và khi ngoan lại ngoan vô cùng. Tết đến cũng là lúc bà nội xuống nhỉ, chuyển nhà mới nữa bỗng nhiên Bông nói câu chủ động đầu tiên: mẹ mở cửa cho con...bà khen B tiến bộ so với hồi về quê nhiều (thì cũng đến nửa năm bà mới gặp con mà), mẹ lại thấy yên tâm phần nào, sau đó là một loạt câu tiếp với những nhu cầu cần kíp như uống nước, đi vệ sinh...Tuy nhiên tốc độc phát triển của con quá chậm. Ra nhà mới hàng xóm đông trẻ con mọi người bắt đầu xì xào khi so sánh con với những trẻ cùng lứa, trước chỉ tiếp xúc qua loa, con luôn nói lại những gì mẹ nhắc nên mọi người khen con lễ phép và ngoan. Khi nhà mình chuyển ra ở hẳn,những vấn đề của con bắt đầu rõ rệt, con hay nói một mình, nói nhại và sợ tiếng quát to (dù cô chú hàng xóm mắng các anh chị chứ chẳng phải con, con vẫn rất sợ). Có một đứa bé ngay cạnh nhà, hơn B 4 tháng, cực kỳ tinh quái, khi thấy B nói một mình, nó nhăn nhở: ơ, em B sao nói 1 mình, bị điên à. câu nói ngây ngô của con trẻ làm mẹ đau nhói và một ngày mát trời giữa cả một đợt nắng oi ả, mẹ quyết tâm đưa con đi khám. Chà, mẹ gõ dài phết rồi đây, bà xuống làm mẹ nhớ lại những mốc thời gian của B khi gặp bà, mong là lần này bà xuống sẽ lại đánh dấu nhiều bước tiến mới của con, lúc nào mẹ sẽ lại viết tiếp từ lúc con đi khám nhỉ để sau này làm kỷ niệm cho con yêu nhé!


Ôi, lợi bất cập hại rồi, trước B có tính hay ăn vạ, cứ lăn đùng ra đường, lờ rồi không được, đánh không được, chuyển hướng sang hành vi khác không được, sau phát hiện ra cô nàng rất sợ con Milu nhà hàng xóm, cứ lăn đùng ra là mẹ dọa thả Milu, sợ quá phả lồm cồm bò dậy ngay, tuy không phải là biện pháp hay nhưng cũng giúp dập tắt hành vi của con ngay lập tức. Được 1 thời gian thì con Milu ốm rồi chết, chị ta lại quay về ăn vạ, lại còn đẩy trẻ con hàng xóm ầm ầm. Mẹ đau hết cả đầu với cái vụ này. Khi tình hình bắt đầu căng thẳng, mẹ quyết tâm tậu 1 ông ngáo ộp mới. Bác ấy có giọng quát rất uy, trong xóm hầu hết trẻ con đều sợ. Một hôm được sự nhờ vả của mẹ cháu, đúng lúc B nằm ăn vạ, bác ấy quát cho 1 trận sợ xanh mặt, thế là từ đấy cần điều trị gì mẹ lại nhờ bác ấy, B cứ là nghe răm rắp. 

Nhưng mẹ đã phạm một sai lầm nghiêm trọng. Đấy là vì mẹ sốt ruột với tình hình chơi với các chị hàng xóm của con, con có biết chơi rồi nhưng duy trì giao tiếp thì vẫn kém, dù về mặt nhu cầu thì có, khi sang nhà hàng xóm mà đông người là vẫn hay bám mẹ. Mẹ thì sốt ruột nên thấy bác ngáo ộp phát huy tác dụng quá đã quyết định nhờ bác ấy quát B không được bám mẹ, phải ra chơi với các anh chị. Hôm đầu con khóc sụt sịt nhưng vẫn chơi, mẹ được đà hôm sau lại đưa con sang nhà bác ấy, nhè đúng hôm cả xóm tụ tập ở đấy ăn cơm. B không muốn ra chơi với các anh chị mà muốn ngồi với mẹ vì mẹ đang ăn cơm, mẹ gọi: bác T ơi. Thế là bác ấy quát: B ra cho mẹ ăn cơm, ra chơi với các anh chị. Con bé lũn cũn đi ra, khi ăn xong mẹ ra thấy con vẫn ngoan ngoãn xếp hình nhưng quay lại nước mắt chan hòa. mẹ thương đứt ruột, tự nhủ lòng thôi không dọa con nữa, dù sao thì nó vẫn chơi với hàng xóm mà.
Nhưng sai lầm của mẹ phải trả giá rồi, B yếu về tâm lý, cái gì tạo ấn tượng mạnh thường nhớ rất lâu, hôm sau bác ấy dẫn 2 chị em con nhà bác ấy sang chơi, B sợ rúm người, dứt khoát bám chặt mẹ mà không chịu chơi với ai nữa, khổ thế, còn tệ hơn lúc trước. Bây giờ chỉ chơi ở ngoài đường thôi, hễ các chị hôm có mặt nhà bác T mà vào nhà là đuổi xơi xơi, Con đã bị tạo ấn tượng rằng: chơi với các chị này ở trong nhà là mẹ sẽ đi mất, chỉ còn bác T thôi. Mẹ đau khổ quá, trách cho cái sự ngu dốt và tham lam của mình, thôi thì đành bắt đầu lại từ đầu vậy. Lại nịnh các chị vào chơi, mẹ ngồi ngay cạnh để con yên tâm, hôm qua thấy đỡ khóc rồi, dần dần mong là con sẽ quên và lại chơi với các chị. Hic, cái sự chơi là phải tự nguyện và vui vẻ, phải từ từ mới được, bây giờ mẹ ngấm rồi, xin lỗi con yêu của mẹ


Bông khi 3 tuổi còn chẳng bằng nhiều bạn trên diễn đàn này, dù đi khám bác sỹ kết luận nhẹ đấy,lúc nhận kết quả đã là 40 tháng rồi, chẳng hiểu khi bằng tuổi các bạn, tầm 3 tuổi bạn í đi khám thì sao nhỉ, hi hi

B đã bắt đầu chơi lại với các chị hàng xóm rồi, dù chị nhà bác T thì chưa dám nhưng có tiến bộ hơn, mẹ tin con sẽ sớm lấy lại phong độ thôi. Bà nội xuống chơi, bà kết luận cháu bà chẳng làm sao cả, mẹ cứ lo lắng quá, bữa cơm ngày Tết độc lập mẹ được cả nhà tổng xỉ vả vì tội nhồi nhét con học nhiều, nó đã phát triển bình thường rồi còn gì. Mẹ chỉ biết cười trừ thôi, là con cháu nhà mình nên mọi người mới thấy thế chứ mẹ ở bên con suốt, mẹ mới là người cảm nhận rõ nhất những vấn đề của con gái mình. Tổng kết 1 tí xem đến bi giờ B đã tiến được những bước thế nào nào:
- Biết nói theo nhu cầu, dù 1 câu rất dài.
- Biết khoe kiểu như mẹ ơi con có áo xinh không, con xâu được nhiều chưa
- Mách thì mới ở mức độ sơ khai, nguyên thủy, he he, kiểu như: mẹ ơi em mai anh đái dầm nhưng mới chỉ biết mách mẹ thôi và không thường xuyên (hiếm hoi lắm bạn ấy mới thốt ra), mẹ xui ra mách ai khác là lí nha lí nhí
- Biết đặt những câu hỏi đơn giản: ai, đang làm gì, cái gì, đâu, chỉ hỏi tại sao với những pha gây ấn tượng mạnh như: tại sao anh cò ngã
- Nhận thức ổn,ghi nhớ tốt, hi hì, nhưng có lẽ đây là ưu điểm chung của các bạn Vip mà
- Niềm nở, hớn hở khi chơi với các bạn, về thần thái thì thế chứ giao tiếp là ú ớ lắm, gọi chị, gọi bạn tha thiết xong rồi để đấy, chắc vì không biết nói gì thêm, thương thế, câu sau là mẹ phải mồi
* Những vấn đề còn tồn tại:
- Ngôn từ rất hạn chế, khả năng tự phát triển vốn từ không có, tất cả những tiến bộ về ngôn ngữ của con là do mẹ ráo riết nhồi nhét, được cái học đâu nhớ đó, nên trong những tình huống quen thuộc là xử lý ngon, người mới tiếp xúc thường không nhận ra con có vấn đề.
- Hay nói lặp lại, vẫn còn nhại tình huống, đặc biệt hay lặp lại với những gì gây ấn tượng với con, tự dưng lại tua lại cái đoạn hội thoại nào đó, dù dạo này đã giảm hơn nhờ mẹ áp dụng cách của mẹ Mít, khi hỏi về câu chuyện đang nói luyên thuyên đã biết diễn giải cho mẹ, nghe diến giải cho oai chứ thực ra là mẹ hỏi đã biết trả lời vào câu chuyện đang bận tua lại...hic!
- Với những tình huống mới là ứ trả lời được, túm lại là khả năng tự học còn rất hạn chế.
Ở lớp cô hay chê bạn nói bé nên về nhà bạn ấy nói bù hay sao ấy, hôm qua chuẩn bị ra bà ngoại ăn cơm nên bạn ấy phấn khởi lắm, gọi bà nội: bà đang làm gì đấy (cái giọng to dã man), bà bảo: bà đang đi vệ sinh, lại gào lên: bà đi vệ sinh xong chưa làm bà có tí ngại, he he, xong bạn ấy phi ra giữa đường, gọi to: mẹ ơi mẹ nhổ lông nách sắp xong chưa, ôi tôi chết mất thôi, hàng xóm nghe đủ, cười rũ rưỡi



Hì hì, em cũng xoắn mãi mới hiểu đấy.

Hôm nay đinh mang truyện doremon ra cắt dán, photo thành truyện cho con để dạy B các tình huống giao tiếp(vì B thuộc và thích các nhân vật trong truyện, haiz, lẽ ra là mẹ chụp ảnh các bạn in ra làm chuyện cho con nhưng các bạn í cứ chạy lăng xăng, góp thành truyện khó quá)thế mà lại quên roài, chán cái đầu đất của mẹ quá.



Hôm qua bạn B lau nhà, chân thì hơi bẩn nên tạo thành nốt trên nền nhà, bạn ấy cúi xuống nhìn rồi buông ra một câu: bà ơi, chân bẩn như chó. hô hô, yêu thế cơ chứ lại
Bông cũng bớt nhại tình huống, thay vì về bày đồ ăn trên bàn gọi các bạn lên lấy cơm bằng giọng của cô, kiểu như: cô mới Tuấn Phong lên bê cơm, cô mời....thì hôm qua bạn ấy gọi: mời bố lên bê cơm, mẹ lên bê cơm, dấu hiệu đáng mừng đã chuyển từ nhại sang bắt chước, hi hi



Chị Ngọc Anh sang chơi, bạn í đuổi thẳng: ngọc anh về ăn cơm đi, mẹ biết con vẫn sợ sau vụ bị ép chơi với các chị hỏi dò: tại sao con không cho chị vào chơi, câu này khó đây, với những câu hỏi cần suy luận một tí là bạn hay mắc, cứ: con không, vì con không mà ứ trả lời được, mẹ cứ giải thích ở cạnh: con cho chị chơi mới vui chứ, dồn quá bạn ấy cuống mãi mới thốt ra: Mẹ có đi đâu đâu thay vì trả lời vì con sợ mẹ đi mất (câu này mẹ vẫn an ủi mà), đấy lại rõ vấn đề rùi, thôi cũng tự an ủi phải dần dân chứ biết làm thế nào, mẹ bảo:các chị vào chơi mẹ cũng ngồi với con mà, lại gào lên: không, không, mẹ ngồi với con, ôi, bài học nhớ đời cho mẹ!



trộm vía, con vẫn đang tiến bộ từng ngày, nhưng song song với đó vẫn là những vấn đề tồn tại chưa khắc phục được. mẹ vẫn vui với mỗi bước tiến của con và vẫn trăn trở, vẫn lần mò từng ngày, từng ngày...


Hôm qua B đi cung thiếu nhi, muộn quá nên sắp đóng cửa hết rồi, bạn ấy vẫn cố chui vào nhà bóng nghịch thêm, bố bạn thì càu nhàu làm mẹ bạn ấy cú lắm, đi cả ngày về, có mỗi việc đưa con đi mà cũng càu nhàu, mặt mẹ bắt đầu sưng sỉa lên, mẹ tự vào với B để bế con lên đu xà, B thích lắm, có một bạn chắc còn sợ trò đu này, B quay sang: mẹ ơi bạn đu sợ (í là bạn ấy vẫn còn sợ kìa), rồi bạn ấy hỏi: bạn ơi bạn tên là gì, bạn ấy chẳng trả lời gì cả. Nói chung B thấy ai cũng hay hỏi tên là gì, mẹ dạy mà nên mẹ cũng thấy bình thường thôi nhưng khi bạn ấy không trả lời, bạn B đã tự tin quay sang mẹ bạn ấy: cô ơi, bạn tên là gì...ôi mẹ bạn B bỗng thấy đời nở hoa, mặt mẹ bạn ấy giãn ra, cười hết cỡ vì bạn ấy không phải hỏi để đấy nữa, bạn ấy thực sự muốn biết thông tin rồi đấy. Mẹ của bạn kia bảo: bạn tên Phương Anh, Bông quay sang gọi: Phương Anh ơi, mẹ xui bạn Phương anh: con hỏi lại giúp cô bạn tên là gì đi, Cảm ơn trời bạn PA ấy là một cô bé rất nhanh nhẹn (sau khi nói chuyện một hồi mẹ mới biết bạn ấy kém B những 9 tháng cơ đấy), bạn ấy hỏi B: bạn tên là gì. Bông nhà mình còn ngập ngừng, mẹ mớm lời: Con trả lời đi, tớ tên...Thế là B nói dõng dạc: tớ tên là KH. Ái chà, nhớ mấy lần trước bạn ấy toàn hỏi anh, chị tên là gì rồi chạy mất, he he, giờ đã biết trả lời lại rồi, level nhà ta đã lên hơn một cấp.



Mẹ rất là yêu cái bạn PA ấy nhé, chỉ có 10p ngắn ngủi nhưng bạn ấy đã rủ B nhảy cùng này, ném bóng cùng này, B tuy nói không nhiều như bạn nhưng cũng biết gọi: PA ra đây nhảy tiếp, có lúc thì mẹ cũng phải giục, 10p ấy mẹ như bay lên mây ấy, ôi những lúc thấy con mình như một trẻ bình thường thế này sao mà hạnh phúc thế. Những bà mẹ có con là một trẻ bình thường có biết được niềm hạnh phúc ấy lớn lao thế nào không nhỉ



Đến lúc ra về, bạn ấy còn tiếc nuối lắm, đòi vào chơi trò ống cống, mẹ bảo: đóng cửa rồi, con thấy chưa, bạn ấy thì bảo: mẹ ơi nhà phao cũng đổ rồi kìa (họ xì hơi xuống mà), chưa để mẹ vui cho trọn bạn ấy bắt đầu: Đấy, Bông ơi, đóng cửa hết rồi, nhìn thấy chưa, mẹ vội sửa: mẹ mới gọi B ơi, con phải nói mẹ ơi đóng cửa hết rồi chứ nhưng mà bạn ấy chẳng dứt ra được, cứ lải nhải: Bông ơi, về thôi, mai chơi tiếp. Ôi trời ơi, ngày vui ngắn chẳng tày gang. Hứt hứt...



Về nhà còn tranh thủ đi bộ tí với bố, nhìn cái mặt lon ton vào nhà, mẹ chào: mẹ chào con, B đáp: con chào mẹ, con đi đâu về đấy? con đi bộ, con đi bộ với ai, với bố, con có mệt không, bạn ấy uống ực một cốc nước rồi trả lời: Con có mệt lắm, hic, ghép giữa những lần trả lời: con có và mệt lắm!!!!!!!!!!!!



Khi mẹ hạ cửa xuống, bố còn chưa vào, bạn ấy gọi to như quát: bố ơi vào đi, đi vào đây, nghe mà buồn cười, cửa xuống đến một nửa rồi, bạn ấy cuống quá bắt đầu: bố vào đây, vào đây, con ơi (hic, thế là sao, là sao)


Cái sự đọc truyện cho B kute thật là nan giải, may mà sau một thời gian mẹ quàng quạc, quàng quạc với chất giọng diễn cảm hết mức (trước thi kể chuyện Hồ Chí Minh mẹ cháu nhất toàn ngành chứ tưởng, khoe tí cho oai) bạn ấy đã kịp ngấm 2 chuyện: chuyện 2 dê qua cầu và nhổ củ cải, mà truyện tranh Việt Nam mình bây giờ cứ khô khô, cứng cứng thế nào ấy, chỉ có những chuyện cũ cũ thế này còn hay. Nhiều truyện mẹ đọc đoạn đầu thì được chứ đoạn sau là tưng hửng, thế là thay bằng các em gấu misa, mèo mimi trong truyện phải đọc là em quang huy, em mai hương (những nhân vật quen thuộc với bạn B)mới thu hút được sự chú ý của bạn ấy.
Trong truyện 2 dê qua cầu có câu: Cầu chênh vênh nhỏ hẹp, bắc qua dòng sông sâu, khi mà đọc đoạn này ấy, mẹ bạn ấy thường múa tay một vòng xoa xoa ở mặt nước nhát là cái đoạn dòng sông sâu cho thêm phần diễn cảm, mất cả tháng giời thờ ơ bạn ấy mới để mắt tới, câu chuyện này viết theo kiểu thơ nên bạn ấy thuộc lòng rồi, thuộc lòng trước cả khi hiều. Giờ hỏi: tại sao hai con rơi tòm xuống nước, bạn ấy cũng sẽ nói: vì húc nhau, hè hè nhưng câu này là mẹ cho sẵn phương án trả lời, chẳng biết có thuộc cả câu trả lời không nữa. Cho đến hôm qua đưa bạn đi bộ, qua đoạn mương ngăn giữa khu đô thị mới với khu dân cư, có nhà người dân đã bắc một chiếc cầu nhỏ qua (chắc to hơn cầu khỉ được một tí)để sang khu mới cho tiện, bạn ấy chỉ và nói: cầu chênh vênh nhỏ hẹp. Mẹ bạn ớ một tiếng ôm chấm lấy bạn mà thơm lên cái miệng xinh xinh, ôi con gái tôi, ơn giời!!!


Ngã một cú đau điếng,đúng hai gót chân làm mẹ phải nằm bẹp dí.điên tiết,mấy hôm bố đưa con đi lớp và làm việc nhà,quát con gái om sòm,tắm thì như giết nhau,ầm ĩ nhà cửa.thế mới biết chỉ có người mẹ mới đủ kiên nhẫn chăm con.bố làm mẹ điên ko thể tả,mẹ nghiến răng trèo trẹo,bố con khi ko cãi lại được là tương ngay một câu:sao e ko đau nốt cái mồm đi.anh hùng 3 năm trả thù ko muộn,mấy hôm nữa đi lại được mẹ sẽ cho bố biết tay.mẹ thương b mấy hôm nay quá.trưa nằm nhớ c chẳng ngủ được.mai cho b ở nhà với mẹ.con bắt đầu nhuần nhuyễn hơn trong những tình huống quen thuộc.bjơ dạy c những khái niệm trừu tượng thật khó.mẹ vào bằng đt khó viết quá.hôm nào ngồi được máy tính ghi tiếp cho c vậy


Bên này mẹ ghi lại một số mẩu chuyện vui về con, hì h ì, cái sự hỏi của bạn ấy đã dẫn đến nhiều tình huống rất buồn cười, mẹ đau chân nên phải nhờ ông ngoại vào chùi đít cho bạn ấy ị. Bông bảo ông: ông ơi, cứt thồi lắm, ông ngoại gật gù: đúng rồi, b ăn chất mới ỉa được cứt thối thế này. Bạn ấy ngước nhìn ông, hỏi một câu rất hồn nhiên: ông ơi, ông có ăn cứt thối không????????Cái mặt còn nghếch lên nhìn ông, háo hức đợi ông trả lời. Ôi con ơi, mẹ giật mình, ông thì cười ha hả, mẹ bảo: bông không được hỏi ông thế, xong rồi chợt nghĩ làm sao mà giải thích được là ko được hỏi bây giờ...Hệ lụy từ những lần mẹ dạy con khái niệm: có, không, sạch, bẩn đây mà. Hỏi con cái gì cũng có, mẹ độp: con có ăn cứt không, bông trả lời: con có, úi giời, đúng lúc đang ở nhà vệ sinh, mẹ bảo đây này, đây này, có ăn không mới gào lên: không, không...
Hôm qua về xách ba lô lên bảo mẹ: mẹ ơi con lấy xúc xích.
Mẹ: xúc xích ở đâu
B: trong ba lô này (lôi ra có hai cái thật)
Mẹ: Ai mua cho con
B: bố mua cho con
Mẹ: Bố mua lúc nào ấy nhỉ (thực ra câu này mẹ hỏi bâng quơ không có ý bắt B trả lời vì trước giờ câu hỏi về thời gian voi con hơi khó nếu không có gợi ý của mẹ)
B: (trả lời rành rọt): Bố mua cho con con đi học (hay quá, í là bố mua cho lúc đưa đi học đây)
Chuyện 3:
Bà lấy ảnh cho con
Bà: Ảnh nào
- ảnh bà ngoại ấy
- cao lắm bà không với được
- Bà lấy ghế đi
(và uỳnh uỵch đi bê ghế cho bà)
Hai hôm nay con làm mẹ vui lắm, mẹ thấy đỡ đau hẳn, điều đó làm mẹ phấn chấn để dắt tay bước trên con con đường mẹ đã vạch ra cho mẹ con mình, mẹ quyết định không trông đợi nhiều ở giáo vien nữa, không lùng sục tìm cô giáo cho con nữa, mẹ sẽ dạy con mỗi tối, sẽ có một giờ như cua cô và ngày thứ 7 sẽ theo con đến lớp cả ngày như một giáo viên đi kèm, con đường này mẹ cũng mày mò, mẹ cũng lạ lẫm lắm, chưa nhìn thấy đích đến ở đâu nhưng mẹ biết mẹ không cô đơn vì bên cạnh mẹ con mình còn có nhiều mẹ, nhiều bạn đang đồng hành và nắm tay nhau đi, quãng đường chắc sẽ bớt chông gai, bớt dài và xa còn nhỉ, cố gắng cùng mẹ B yêu nhé


Thế là cô giáo Bông đã chính thức tự bỏ việc, mẹ cũng chấm dứt những ngày dài cổ đợi, gọi điện tha hồ, đâm sấp dập ngửa nhanh nhanh chóng chóng để cho con kịp giờ học cô, sau đó là khoảng nửa tiếng quá giờ học, cô thông báo: chị ơi phòng em liên hoan, em nghỉ nhá...rồi thì chị ơi ngày ấy em đau bụng...và lần nào cho con nghỉ cũng là sau vài cú điện thoại của mẹ thì mẹ mới nhận được thông báo. Bố thì bảo: mẹ chưa nhịn ai cũng chưa kiên trì với ai hơn với cô giáo của con nhưng mẹ phải cảm ơn các mẹ trên diễn đàn này rất nhiều, ngày trước mẹ kỳ vọng ở cô rất nhiều và tự ti về khả năng của mình rất nhiều nhưng bây giờ tinh thần mẹ đã khác. Chẳng có giáo viên nào bằng mẹ cả, các cô hơn mẹ ở khả năng làm con tập trung hơn, con thường nghe cô hơn nghe mẹ nhưng mẹ hiểu con hơn, con vui khi ở bên mẹ hơn khi học bên cô, cần gì bàn học, cần gì cứ phải ngồi nghiêm chỉnh khoanh tay. Buổi tối mẹ con mình chơi một tí, cù nhau một tí, tô màu một tí, rồi nằm kềnh ra một tí, cười mê tơi, vui thiên thần...Mẹ yên tâm với cô giáo trên lớp của con, mẹ sẽ cố gắng bên con ở nhà và mẹ tin thế là đủ. Ngày nào cũng phải gọi cho cái cô giáo viên đặc biệt ấy, chiều như chiều vong vậy mà con học bập bà bập bõm, chẳng mục tiêu, chẳng chương trình, chẳng giáo án...khi mẹ không gọi điện là cô cũng không đến, cũng không một lời xin phép phụ huynh luôn, đi chơi với người yêu thì nói dối em truyền nước không đến dạy con được. Haiz, với sự cổ vũ nhiệt liệt của bố, mấy hôm nay mẹ quyết định không thèm gọi điện nữa và thế là cô cũng mất tăm luôn. Ôi giời ơi...mẹ cũng chẳng có hơi sức mà chán hay thất vọng, mẹ đang làm giáo án cho con yêu đây. Cảm ơn mẹ Mít và mẹ Tôm đã giúp em rất nhiều, em đang hùng hục kẻ bảng đây ạ, nhưng cái sự nói bé của con đang nước sôi lửa bỏng nên mẹ đang cần cứu trợ vụ này trước. Nhìn vào cái bảng sơ khai mẹ mới lập cho con này (mẹ sẽ bổ sung dần dần)thì xem ra vận động thô của con ổn ổn, nhưng vụ vận động tinh vẽ vời là không theo được bạn Tôm, ngôn ngữ thì cái vượt chuẩn cái không đạt, nổi lên là việc kể chuyện đang tậm tạch vô cùng, mẹ đang không phân biệt được con biết kể truyện hay là thuộc truyện, biết trả lời hay thuộc câu trả lời, he he, truyện mẹ bịa, truyện tranh kể lại được nhưng truyện ở lớp, truyện diễn ra là ứ kể được. được roài, mẹ đã bắt đầu và vẫn đang đầy nhiệt huyết đây, nhất định mẹ sẽ đồng hành với con từng bước một, cùng cố gắng con nhé

Mấy hôm nay con ốm quá nên bao nhiêu dự định phải tạm dừng lại dù mẹ đã lên cả một mục dài, phải lo cho con khỏe đã, cái mặt ốm bé quắt queo trông đến tội nghiệp. Cho con nghỉ ở nhà cả tuần, lúc thì ngoan, lúc thì ngang bướng không chịu nổi làm mẹ stress và mệt bơ phờ, có lúc thấy bế tắc quá, lại muốn gào khóc lên nhưng rồi nó cũng qua đi rất nhanh, hãy mau chóng khỏe lại để mẹ con mình tiếp tục nhé. Vụ nói to nhỏ của con cũng phải tạm xếp lại đã, biết đâu sau trận ốm đi học lại nói to, hi hi, là mẹ cứ hy vọng thế.
Vào diễn đàn để chúc mừng các chị, em, các bạn là mẹ trong diễn đàn này, cảm ơn mọi người vì tất cả, chúc mọi người đều kiên cường để chiến đấu vì con, chúc các con tiến bộ thật nhanh để hạnh phúc đến với các mẹ thật nhiều nhiều nhé


HÍ hí, sau khi tự bổ túc trình tin học, mẹ cháu đã tìm được đường link này, tài liệu đó đây ạ, các bố mẹ tự down về nhé, sáng nay mẹ cháu lọ mọ gửi mail cho mọi người mà cứ tậm tịt báo lỗi, hôm qua họp đơn vị nên mẹ cháu không gửi được, bực mình nên mẹ cháu gửi đường link này lên, nói chung tài liệu chắc nhiều bố mẹ cũng biết rồi nhưng với kinh nghiệm ít ỏi của mẹ cháu thì thấy áp dụng cho con khá hiệu quả, và trộm vía đang thấy con gái tiến bộ từng ngày nên coi như chia sẻ với mọi người để ai chưa biết thì đỡ mất công tìm, hì hì và bố mẹ mới nào quan tâm thì tải về nhé. Các mốc trong này mẹ cháu thấy hoàn toàn trùng khớp với giáo án của một trường chuyên biệt tại Hà Nội mà mẹ Mít gợi ý cho, tất nhiên còn có các bài tập vận động nữa nhưng con khá ổn phần vận động nên mẹ con tập trung phần ngôn ngữ trước. Tài liệu là những gợi ý rất tốt, tuy nhiên, như dạy Bông thì em áp dụng thập cẩm lắm, dù sao đây cũng là những gạch đầu dòng rất tốt để mình bám vào dạy con, hơn nữa nhiều khi phải đủ lượng mới đến chất được các bác ạ, có những mục tiêu em đặt ra cho Bông dạy mãi con không hiểu vậy mà một thời gian sau quay lại con đã tiếp thu dễ dàng hơn, nên các bác lấy các mục tiêu ở đây để dạy con nhé, còn từ mấy tuổi đến mấy tuổi ấy mà, cứ lựa theo con thôi, 2 -3 tuổi chưa làm được thì đợi 3 -4 tuổi. Con em phát hiện muộn, em không biết nếu can thiệp sớm hơn sẽ như thế nào nhưng như Bông gần 4 tuổi con vẫn có những tiến bộ, chúc mọi người cùng cố gắng và thành công nhé


Hôm nay là tròn 6 tháng con gái yêu của mẹ đi bộ đội, lúc đó mẹ còn đau đớn lắm khi nhận kết quả của con nên cũng chẳng có tâm trí mà gạch ra những gì con làm được và chưa làm được. Hôm nay mẹ làm một cái tổng kết nho nhỏ này, mẹ mong lắm khi 6 tháng nữa nhìn lại bảng này mẹ có thể gạch đi rất nhiều những phần con chưa làm được và chuyển các nội dung đó sang phần con đã đạt được.


Mai cũng là ngày mẹ đến gặp cô giáo viên đặc biệt mới của con. Mẹ cũng viết ra đây những điều này để những mẹ cùng cảnh với mẹ góp ý giúp mẹ cháu những nội dung mẹ đề xuất với cô có phù hợp không, bởi mẹ nghĩ rằng với những trẻ như con dạy cá nhân bây giờ rất khó, với những hiểu biết trực diện hoặc tranh ảnh về các vật hay khả năng phát âm còn đã làm được rồi, dạy những khái niệm trừu tượng, tăng khả năng giao tiếp mới là điều rất khó khăn. Con đường dạy dỗ cho con đang ngày một khó khăn hơn bởi khả năng tự học của con hạn chế nên dạy những điều như là cảm xúc, cách xử lý trong các tình huống giao tiếp, linh hoạt hơn trong sử dụng ngôn từ...là những điều rất khó dạy. Mẹ hy vọng tuy không nhiều lắm nhưng mong là với những điều cụ thể mẹ cung cấp cho cô về con, cô sẽ giúp mẹ một phần nào đó.



Bảng này mẹ cháu kẻ đẹp lắm mà copy vào đây sao lại không ra bảng nhỉ, hơi bị khó đọc, thôi các mẹ chịu khó giúp mẹ cháu với nhé, phần chưa làm được là viết sau đấy ạ



- Vận động thô:
đi được xe ba bánh, xe đẩy 1 chân, xe lắc thành thạo, thực hiện trườn, leo, bò tốt, đu xà trong trò chơi ở nhà bóng, tập thể dục theo được các bạn



vận động kết hợp liền lúc tay chân còn chưa linh hoạt (những động tác khó tuy nhiên nhiều bạn bình thường cũng không làm được)



- Vận động tinh:
+ Xâu được hạt, bóc trứng, bóc nhãn tốt.
+ Biết tô màu như các bạn, nhưng thường kém tập trung, nhắc mới tô hết bức tranh, nét tô rất ít khi ra ngoài
- Vận động tinh:



+ Vẽ kém, chỉ vẽ được ông mặt trời, ngôi nhà, các hình khác thường phải hướng dẫn tỉ mẩn mới vẽ được.




- Nhận thức: 
+ Khả năng ghi nhớ tốt: thuộc bảng chữ cái (lúc 2,5 tuổi). Mẹ không dạy nữa nên đến giờ cũng quên bớt. Thuộc nhiều bài hát dài trước khi nói được câu chủ động.
+ Thuộc các số, có biểu tượng về số: khái quát được tất cả có mấy, lấy được đúng số lượng theo yêu cầu.




+ Kém tập trung, khả năng tự học, tự phát triển từ rất hạn chế
+ Tư duy trực diện tốt, tư duy trừu tượng kém.



+ Phân biệt được giống nhau, khác nhau, một số khái niệm đối lập như: to, nhỏ, nhanh, chậm, cao, thấp, ngắn dài. Phân biệt được tay trái, tay phải, con trai, con gái. Sử dụng các đại từ anh, chị xưng em, ông bà bác…xưng con một cách chính xác, phân biệt màu sắc tốt.



+ Thường trả lời theo kiểu thuộc cấu trúc câu: khái niệm chưa rồi chưa phân biệt được rõ ràng, hỏi cái gì chưa cũng rồi.
Con ăn cơm chưa: ăn cơm rồi
Con tắm chưa: con tắm rồi.
Khi hướng dẫn con: mẹ vừa tắm cho con xong rồi nhé. Ôi thơm quá, thế bông ơi bông tắm chưa thì biết nói: mẹ vừa tắm cho con. 
Nếu như chơi với con hỏi: cái này hết chưa, con sẽ nói chưa hết hoặc hết rồi một cách chính xác.
+ Cặp khái niệm có – không nếu gắn với nhu cầu hoặc hỏi về sự hiện hữu như có ở đó không thì trả lời chính xác nhưng khi hỏi cái gì không thường trả lời một cách rập khuôn theo kiểu thuộc cấu trúc câu. 
Ví dụ: con nóng không, nóng lắm
Con lạnh không, lạnh lắm 
Nghĩa là cái gì không cũng lắm dù con hiểu khái niệm nóng, lạnh , khi vào phòng điều hòa hay mở tủ lạnh biết kêu lạnh, sờ vào nóng biết kêu nóng nhưng khi trả lời với cấu trúc câu hỏi quen thuộc là lại trả lời sai.



- Trả lời câu hỏi lựa chọn cái này hay cái kia thường gắn với nhu cầu trực diện, ngay trước mặt hay quen thuộc mới trả lời đúng còn lại hay nói lại cả hai
Ví dụ: Con ở nhà hay đi lớp
Con ở nhà.
Nhưng con ăn trứng hay ăn cá, chọn 1 thôi
Con ăn trứng ăn cá
(Câu hỏi lựa chọn vẫn còn lẫn lộn, chưa vững)



- Biết phân biệt ban ngày, ban đêm chưa phân biệt được hôm qua, hôm nay.



+ Khái niệm về cảm xúc: Biết khái niệm thích, sợ, ốm mệt. Khái niệm vui buồn, tức còn chưa nắm chắc.
Khi em khóc biết vuốt nhẹ, lau nước mắt cho em, hỏi em làm sao đấy nhưng bố mẹ nói với nhau to lại rất sợ, thường ném đồ, tự giật tóc mình để bố mẹ dừng lại.
+ Các khái niệm về cảm xúc như vui, buồn, tức giận, ngạc nhiên, có nhận biết được qua nét mặt người khác tuy nhiên phản ứng với sự buồn bã, tức giận của mọi người nhiều lúc chưa phù hợp (hay sợ mẹ nói to, đánh mẹ). Các khái niệm về cảm xúc sử dụng không thường xuyên. Biết bạn vui là cười, buồn là khóc nhưng do mẹ bảo thì con nhớ chứ chưa hiểu các khái niệm tức giận, ngạc nhiên, vui, buồn. 




- Thường xuyên sử dụng các câu hỏi: đang làm gì đấy, ai, gì đấy, bị làm sao một cách chủ động
- Biết trả lời câu hỏi tại sao, như thế nào trong những tình huống trực quan và thực sự đơn giản.



- các câu hỏi khác như tại sao, như thế nào hỏi không thường xuyên, hay bị lặp lại. Với các câu hỏi tại sao, như thế nào thường hỏi ở những tình huống quen thuộc mẹ hướng dẫn chứ không phải để lấy thông tin, hỏi dù đã biết câu trả lời. 



- Biết xin phép mẹ làm việc gì đó, ví dụ: xem máy tính.



- Đề nghị về những việc trong tương lai với từ “xong là”.
Ví dụ: mẹ cho con đi chơi xong là đi tàu xong là đi nhà phao nhớ
- Biết sử dụng liên từ với cả (thay cho từ và), ví dụ: mẹ ơi đây là số 3 với cả số 6, mẹ ơi bác T với cả bá O đâu 
- Biết trả lời câu hỏi về sự việc vừa mới diễn ra, ví dụ: hôm nay ở lớp ăn cơm với gì, con vừa đi đâu về, cái này ai mua cho con 




- Không chủ động kể về sự việc diễn ra, không kể được việc xảy ra ở lớp, mẹ hỏi từng câu mới trả lời được, cô dặn gì về nhà ko nói với mẹ. Mẹ hỏi cô dặn gì, gợi ý sát mà lần trả lời được lần không.
- Nghe chuyện nếu tập trung và kể đi kể lại mới thuộc được truyện nhưng hiểu và trả lời còn rất hạn chế, đặc biệt là truyện cô kể trên lớp và truyện tranh mẹ mua, chỉ thích nghe và có thể kể lại truyện mẹ bịa về các chị hàng xóm
- Vẫn còn nhại tình huống, chưa biết kể chuyện mà thường nhại lại, tua lại một đoạn đã nghe trong quá khứ (đúng cả về giọng điệu, cử chỉ, thỉnh thoảng còn nhại lời 30%)
* Ngôn ngữ không lời:
- Gật đầu, lắc đầu một cách tự nhiên, đúng ngữ cảnh
- Hiểu những cử chỉ ra hiệu đơn giản như: mẹ chỉ má ra thơm mẹ, không xếp đồ chơi sau khi chơi xong, mẹ nói: ơ và nhìn vào đồ chơi, biết ra xếp vào rổ, mẹ vẫy tay là chạy lại với mẹ, nhờ mẹ làm gì mẹ chỉ sang bố biết quay sang nhờ bố.
- Khi cô giáo hay bác hàng xóm (những người con sợ) nghiêm mặt hay lừ mắt là không dám làm nữa, bố mẹ thì không. 
* Tương tác:
- Ở lớp ngoan ngoãn, hiền lành, vâng lời.
- Biết khoe, khoe nhiều và chủ động.
* Tương tác:
- Ở lớp rất nhát, nói nhỏ, tuy nhiên ngoan, không ăn vạ, không la hét
- Có việc gì không biết mách cô, mách mẹ. thường mẹ phải mồi mới dám ra mách nhưng thường nói nhỏ và diễn đạt không rõ.
- Thích chơi với bạn, đặc biệt là những trò chơi tập thể ở trường như ném bóng, kéo co, cùng tập múa, hát, rất thích, biết chơi theo những luật lệ đơn giản như chuyền bóng, ném bóng vào rổ, biết chờ đợi đến lân mình (những trò phức tạp hơn như mèo đuổi chuột chưa thử bao giờ)
Có chơi với bạn nhưng không giao tiếp, có chỉ được 1- 2 câu, ít chủ động và hỏi thêm (khởi xướng và duy trì hội thoại kém, thường chỉ hỏi: bạn tên là gì, bạn làm sao, bạn đang làm gì xong thôi vì đó là những câu hỏi mẹ đã thường xuyên hướng dẫn).


-  Ở nhà vẫn còn ăn vạ nhưng đã giảm hơn, nếu giải thích, ôm ấp + dọa nạt trong trường hợp cần thiết thì một trận hờn kéo dài từ 1 tiếng trước đây xuống còn khoảng 10 phút là cùng thôi
- Biết chơi giả vờ với thú bông, gọi là các em, cho các em ăn, uống thuốc, đi ngủ - Chưa biết chơi đóng kịch theo kiểu phân vai. Chơi bán hàng chỉ chìa tay ra mua chứ không chịu nói.



Nội dung đề xuất với cô giáo: 
- Tiếp tục về ngôn ngữ nhận thức cho con, đặc biệt các khái niệm trừu tượng nhưng hay sử dụng: khái niệm về cảm xúc, thời gian, nhận thức vững chắc các khái niệm có không, chưa rồi.
- Dạy con biết kể chuyện, giảm nhại tình huống.
- Tăng khả năng tương tác: dự định cô tìm trẻ để dạy theo nhóm.
Các mẹ góp ý cho mẹ B nhé



Mẹ tính nhầm, hết tháng này mới là 6 tháng Bông đi lớp chứ nhỉ, mẹ đang hoang mang quá, 6 tháng qua con có tiến bộ nhưng sự tiến bộ lúc mới can thiệp tốt hơn, nhanh hơn dạo gần đây, gần đây mẹ cảm thấy như con có biểu hiện chững lại. 6 tháng con được can thiệp tất cả là 15 buổi, phập phà phập phù, còn lại là hai mẹ con dắt díu nhau tự lần mò, thấy con còn thiếu cái gì là mẹ hùng hục dạy cái đấy. Không biết 6 tháng tới sẽ như thế nào đấy


Mẹ đang xuống tinh thần quá, ông ốm rồi. Mẹ bị nỗi ám ảnh lo sợ từ căn bệnh của bà nên mẹ hoang mang và lo sợ gấp đôi. Số phận dường như cứ thích giáng vào con người ta quá nhiều đòn đau mà ngoài việc gồng sức ra chịu đựng, cố gắng để vượt qua thì vẫn có những lúc ngơ ngác không hiểu sao những bất hạnh ấy lại xảy ra với gia đình mình. Khi mà những người mình yêu thương nhất lại gặp những chuyện thế này. Đã lo lắng rất nhiều, khóc rất nhiều chỉ cầu mong ông sớm khỏe lại.\



cả chục ngày nay mẹ bỏ bê con, sáng nay bông biểu tình không đi lớp, mẹ buộc tóc cho đến 3 lần dứt ra đòi ngủ tiếp, thường là mẹ vẫn dỗ B đấy, hôm nay thì mẹ quát om sòm nhà cửa, và giờ khi B đã ở lớp, một mình ở cơ quan mẹ lại bị nỗi ân hận giày vò. Mẹ thấy buồn , cô đơn hơn lúc nào hết, tất cả những nỗi đau này ngay cả bố con cũng không thể cảm nhận được, cuộc đời này thật vô nghĩa nhưng dù thế nào thì con của mẹ vẫn phải tiếp tục được dạy dỗ, mẹ mong con gái mẹ sau này sẽ có một cuộc sống tốt hơn mẹ bây giờ, mà làm được điều ấy thì mẹ phải cố gắng từng ngày thôi.



Mẹ vẫn chưa đến gặp cô giáo viên đặc biệt của con, mẹ muốn cô đến nhà dạy cho con đỡ vất vả đi lại, phải đến tận nơi xem cô dạy thế nào đã, mẹ sẽ không khóc nữa, sẽ lại lên dây cót cho mình để lo cho con và chăm sóc cho ông ngoại. cố lên nào...



Mẹ cũng viết ra đây vấn đề của con để các mẹ giúp mẹ với, như trước đến giờ mẹ vẫn nhận được những sự giúp đỡ như vậy, mẹ đang tập trung dạy con kể chuyện mà nan giải quá, mấy tháng gần đây vẫn chưa tiến bộ được. 



Mẹ đã làm một số cách theo kinh nghiệm của các mẹ đi trước như:
- Chụp ảnh các hoạt động diễn ra và hỏi con (con trả lời được)
- Đọc truyện cho con nghe, con nghe và hiểu được các tình tiết đơn giản ở những câu chuyện quen thuộc (mẹ hỏi tại sao, như thế nào về nội dung truyện đa phần con trả lời được, những câu chuyện đơn giản thôi)
- Hỏi con về các hoạt động ở lớp, hôm nay con ăn cơm với gì, xong là con làm gì, ngủ dậy ai buộc tóc cho con, con trả lời được.
- Thường xuyên kể con nghe, nói với con về những việc mới xảy ra theo trình tự thời gian để con kể lại nhưng cứ phải có mẹ mớm lời từng câu mới được. 
- Con không thích chuyện của nhà xuất bản (số thích rất ít, được vài ba cuốn thôi), còn lại rất thích các câu chuyện mẹ bịa về chị hàng xóm, em hàng xóm....và có thể tự kể lại được những chuyện quen thuộc, diễn cảm, đúng giọng điệu như chuyện chị ngọc anh mặc váy hống giời lạnh, bị ốm phải đi bệnh viện, chuyện bạn không chịu đánh răng bị sâu răng, khi kể xong lúc nào cũng kết thúc là: chuyện Bông kể đến đây là hết rồi và chờ đợi mẹ khen. Thế nhưng những việc xảy ra ở thực tế con lại không kể thế bao giờ.
Con đã biết khoe (khoe nhiều) và biết mách (mách mẹ chứ không dám mách cô, tuy nhiên chỉ mách 1 câu thôi: ví dụ: chị lấy đồ của con chứ chưa kể được 2,3 câu bao giờ). Những sự việc diễn ra dù con nhớ được như mẹ hỏi con đi đâu về, con trả lời được nhưng mẹ không biết làm thế nào để mẹ không hỏi mà con chủ đông kể với mẹ, dù có những điều gây ấn tượng mạnh với con, con cũng không kể. Đi chơi về cùng lắm chỉ khoe: mẹ ơi con có dép đẹp không, chỉ 1 câu thôi chứ không nói nhiều hơn như là mẹ ơi bố mua cho con dép này, đẹp không, bla ba...gì gì nữa mà cứ mẹ hỏi con mới trả lời. dù là trả lời được. mẹ đã cố gắng kiên trì tất cả những cách trên nhưng dường như không thể thúc đẩy sự chủ động và mở rộng câu nói cho con được. Mẹ vẫn cảm thấy con thiếu một cú hích nào đó, phương pháp mẹ dạy con đã thiếu sót và sai ở đâu mà có lúc mẹ tưởng như con đã tiến đến rất gần việc có thể kể chuyện cho mẹ về những điều xảy ra vậy mà thời gian trôi qua thấy con vẫn như vậy, mong các mẹ giúp với



Lâu rồi mẹ mới lại viết cho con, mẹ chấp nhận sự thật về bệnh tình của ông như một điều nghiệt ngã số phận dành cho mình. Dù thế nào cũng phải kiên cường mà sống, kiên cường để lo chạy chữa cho ông bà và chăm sóc gia đình. Những ngày vừa qua mẹ bỏ bê bông nhiều quá, các cô không bị mẹ dò xét nhiều nên cũng phiên phiến với con hơn, bố thì chỉ chơi điện tử, hò hét và chọc con thôi, ấy vậy mà khả năng tương tác của con trong những ngày gần đây tiến bộ rõ rệt. Đón bông ở lớp, cô giáo khoe:


Chị ơi, dạo này con bắt đầu nói to rồi, hôm nay đếm số giỏi lắm (khổ, con vẫn đếm được mà, chẳng qua trước nói bé cô không nghe thấy thôi nhưng nghe con nói to mẹ đã thấy vui lắm rồi)



Chị ơi, hôm nay con làm lớp trưởng hô cho các bạn đứng, em thưởng con vì con nói to (ôi mẹ vui quá)



Chị ơi, lần đầu tiên em thấy con cáu, khi con xếp nhà tầng một bạn đi qua, gạt đổ của con, bông quát: sao lại phá của tớ (ôi giá mà con chạy ra mách cô nữa thì đời mẹ lên mây mất, cô hỏi: việc gì đấy bông, bạn ấy mới mách: bạn Trí làm đổ của con...)



Cô giáo của con nói chắc mẹ chưa tin lắm nhưng một chị phụ huynh ở đó cũng gật gù: B dạo này tiến bộ thật (chị ấy ở đấy trước mẹ)làm mẹ cứ rưng rưng, lạ thật, sao vui quá cũng lại muốn khóc là sao nhỉ



Mẹ đi lại Hà nội nhiều, mẹ về là bắt mẹ cởi áo khoác, chắc sợ mẹ đi mất, bạn ấy còn nói: mẹ tụt nốt cái tay này ra đi, ôi nghe mêm mại hơn rồi đấy, rồi thì bạn ấy còn bảo: con làm máy mẹ hết pin rồi, mẹ ơi mẹ sạc hộ pin cho con, cái từ hộ này là con tự học, nghe con nói mà mẹ quên hết cả mệt mỏi sau một chặng đường dài...



Mẹ nhận ra một điều là không phải cái gì bài bản quá cũng tốt, bố của con chắc chắn chưa một lần seach chữ tự kỷ là gì, dạy con thì cũng phi phương pháp lắm, cả tối hai bố con bạn ấy chơi picachu, ấy thế mà nhờ cái trò này bạn ấy phân biệt được giống nhau, khác nhau ngon lành, lại còn biết bảo chị hàng xóm: vướng con này làm sao ăn được, chết rồi, thấy chưa, bông đã bảo là thua rồi, rồi chạy ra khoe: mẹ ơi con thoát bài rồi. Toàn là từ mới, mẹ không dạy mà bố đã nạp vào cho con một cách tự nhiên như thế, nói thật là nghe có hồn hơn những từ mẹ cố nhồi nhét cho con rất nhiều.



Vụ chưa rồi đã có tiến bộ đáng kể trừ khi mẹ hỏi những việc hằng ngày diễn ra là bạn ấy vẫn lẫn lộn hôm qua, hôm nay (chưa có khái niệm hôm qua, hôm nay đâu) nên nếu hôm qua tắm rồi là bạn ấy sẽ trả lời: bố tắm cho con rồi, chà, phải nạp thêm khái niệm này mới được, cơ mà khó quá, đang không biết làm thế nào. Còn nếu như việc đang diễn ra: con ăn hết chưa, con đi dép chưa là bạn ấy đã trả lời 0k.



Cái vụ kể chuyện: đã bắt đầu kể về hai sự việc diễn ra tuy số lần mới là hai nhưng làm mẹ vui không tả. Một lần là cái phiếu bé ngoan: mẹ bảo cái gì đây, bạn ấy nói: mẹ ơi cái ấy cô đào đưa cho con, vui quá, đã bỏ qua bước mẹ hỏi, ai đưa cho con. Đi siêu thị về bạn ấy kể: bông đi siêu thị xong là bông xem con ma, xong là bông đi về. he he. chuẩn. vụ được làm lớp trưởng mẹ phải hướng dẫn mẹ kể trước sau đó về nhà bạn ấy nói với bố: con bông được hô, con hô giỏi lắm, các bạn đứng. Ái chà, ngày trước là mẹ sẽ phải hỏi: ai cho con hô, hô có to không, hô như thế nào, giờ bạn ấy tự kể được rồi.



So với giáo án các mẹ gửi cho mẹ, mẹ thấy các mốc con gái đã đạt được, tuy vậy còn rất sơ khai, nguyên thủy, cái gì cũng thô sơ và chưa phong phú. Bấy giờ mẹ sẽ tiếp tục hướng con theo chiều sâu và rộng, tạm dừng các mốc mang tính như là chiến lược nữa, 1 tháng nữa con tròn 4 tuổi rồi. Mẹ nhìn các gạch đầu dòng từ 4 - 5 tuổi chỉ ngắn bằng một nửa 3 -4 tuổi thôi vì thế cần phát triển ngôn ngữ, tương tác của con theo hướng rộng ra. Con đã biết hỏi, biết khoe, biết mách sẽ hướng tới để con khoe, mách linh hoạt hơn, sinh động hơn, đỡ cứng và ảnh hưởng ngôn ngữ của mẹ hơn. kể lại việc xảy ra cố gắng tự nhiên hơn nữa và nhiều hơn nữa (mới được có hai lần, hic)



Trước mắt con vẫn còn chưa nắm chắc khái niệm chưa rồi một cách tuyệt đối, trả lời cái gì không cũng lắm, mẹ sẽ khắc phục bằng cách đưa ra từ đối lập luôn, hỏi: bông ơi áo này đẹp không (phải là áo đẹp, con thích thật) thể nào con cũng trả lời: đẹp lắm, và mẹ sẽ nhắc lại: ừ, đẹp nhỉ, không xấu đâu (nếu không mẹ mà hỏi: xấu không con sẽ lại nói: xấu lắm). Dần dần mẹ tin sẽ nạp được cho con.



Ghi lại để biết con đã làm được gì rồi, cố gắng nhé con yêu, hãy giúp mẹ, mẹ thực sự đang đau đớn lắm, mẹ đang cố gắng lắm rồi đây, đến cơ quan, về nhà ông bà mẹ đều phải cố tươi cười để không ảnh hưởng đến không khí chung, mẹ không muốn ai thương hại mình, về đến nhà mẹ lại cố để chơi với con, chỉ có đêm mẹ mới được khóc thôi. Mong một ngày khôn lớn con sẽ không phụ công sức của mẹ, có ngày mẹ trông cậy vào con như ông bà đang trông vào bố mẹ bây giờ 


Mẹ nhận ra một điều là không phải cái gì bài bản quá cũng tốt, bố của con chắc chắn chưa một lần seach chữ tự kỷ là gì, dạy con thì cũng phi phương pháp lắm, cả tối hai bố con bạn ấy chơi picachu, ấy thế mà nhờ cái trò này bạn ấy phân biệt được giống nhau, khác nhau ngon lành, lại còn biết bảo chị hàng xóm: vướng con này làm sao ăn được, chết rồi, thấy chưa, bông đã bảo là thua rồi, rồi chạy ra khoe: mẹ ơi con thoát bài rồi. Toàn là từ mới, mẹ không dạy mà bố đã nạp vào cho con một cách tự nhiên như thế, nói thật là nghe có hồn hơn những từ mẹ cố nhồi nhét cho con rất nhiều.

Mẹ thực sự mệt mỏi lắm rồi bông ơi, hằng ngày chứng kiến ông gầy yếu, mệt mỏi với những phản ứng phụ của hóa chất, thắt lòng mỗi khi ông ho và đau đớn đến cắt ruột khi ông nói ông đau. Tại sao ông trời lại đày đọa nhà mình như thế này, con vẫn còn những vấn đề về tâm lý, mỗi khi mẹ khóc lại tát mẹ, lại bắt đầu những hành vi bùng nổ. Mẹ thấy mình thật vô dụng, thật kém cỏi, mẹ nhớ quay quắt những tháng ngày chưa lập gia đình, mẹ chỉ biết học, tuy ông bà ngoại vất vả, nghèo khó nhưng khỏe mạnh, mẹ nhớ những bữa cơm đủ cả bố mẹ, chị em, mẹ mong những giây phút ấy sẽ kéo dài mãi mãi. Mỗi khi ra nhà bà ngoại mẹ ôm lấy ông mà chỉ ước tất cả những điều khủng khiếp này chỉ là giấc mơ thôi, giá mà mẹ có thể luôn ôm chặt ông để không bao giờ lo ông sẽ bỏ mẹ. Cuộc sống sao có những lúc lại nghiệt ngã thế này. Bon chen làm gì, phấn đấu làm gì khi những người mình thương yêu nhất phải chịu đau đớn. Mẹ không phải là một người tham vọng, mẹ đã từ bỏ tất cả con đường phấn đấu phía trước chỉ mong ổn định, nhàn rỗi hơn để chăm lo cho gia đình, mẹ có tham vọng cao sang gì đâu, tại sao ông trời không lúc nào cho mẹ được bình yên

Mấy tháng mới quay lại nhà mình. Vậy là ông đã qua 4 lần truyền rồi, cảm ơn trời phật ông thích ứng tốt với hóa chất nên kết quả kiểm tra gần nhất vẫn giữ được cho ông như lúc đầu. Mấy tháng trước khi bác sỹ nói tiên lượng của ông rất xấu, ông có thể chỉ còn mấy tháng nữa thôi mẹ đã mất rất nhiều nước mắt, đã đau khổ rất nhiều. Nhưng giờ mẹ tin cả nhà yêu thương ông nhiều như thế ông sẽ có kết quả khả quan hơn. Bác sỹ nói tốt ngoài sức tưởng tượng và mẹ cũng vui vô cùng. Chỉ khổ bố con truyền đạt lại ý của bác sỹ mà bị mẹ vặn vẹo mãi: anh có nói dối em không, có giấu em không đấy, vậy mà bảo mẹ vào nghe kết quả mẹ lại sợ đến mức chẳng dám vào, mẹ mong ông sẽ kiên cường để chiến đấu với bệnh tật.
Chiều nay là buổi đầu tiên mẹ đưa con qua trường công làm quen với cô. Mẹ sẽ vế sớm đón con rồi mẹ con mình lại dắt díu nhau sang đấy nhé. Đã 10 tháng rồi đấy, con gái mẹ cứ lúc trồi lúc sụt làm tâm trạng mẹ cũng vậy, cũng vì mấy tháng nay mẹ bỏ bê con nhiều quá. Sáng nay gái yêu chui tọt trong chặn, mẹ gọi dậy nghe thấy cái giọng thỏ thẻ: cho con ngủ một tí thôi, vừa thương vừa buồn cười. Mẹ đã dặn cô chỉ chơi và chơi thôi, mẹ mong chiều nay tâm lý con ổn định để tiếp nhận cố nhé. Mong đây sẽ là một cú hích mới để con gái mẹ tiến xa hơn.Cứ đọc về con các mẹ trên diễn đàn nhiều lúc mẹ cũng hoang mang quá, bao giờ Bông của mẹ mới nói được những câu như thế. 6 tháng tới nếu con yêu thích môi trường mới mẹ sẽ chuyển hẳn con sang trường công, cũng là lúc vào năm học mới. Thời gian này sẽ vất vả hơn cho mẹ con mình vì đi lại nhiều, cũng tốn kém hơn, nhưng không sao, con tiến bộ là được. Phòng mẹ lại sắp giải thể hoặc sát nhập vào đơn vị nào đó rồi, với nhiều người đó là cơ hội tốt để thay đổi, mẹ thì không. Bố trêu mẹ: mẹ nó có tính toán gì không, mẹ bảo: cứ chỗ nào nhàn nhất em sẽ xin về, bởi mẹ biết bây giờ thời gian ở bên ông bà, bên con là những gì quý giá nhất thôi


Tư duy của bạn Mít thì phải nói có tố chất bác học chứ chẳng chơi, cộng trừ số má chữ nghĩa vẽ vời bạn ấy thuộc loại cao thủ, bạn Bông thì không đạt tầm ấy, được cái ghi nhớ nhanh, thuộc thơ, thuộc hát, thuộc câu chuyện và cả tiếng anh cũng vào hàng đáng ngưỡng mộ trong lớp, ấy thế nhưng các bạn ấy cứ nhảm đấy, khộ thế, thế thì người ta mới có tí cùng làng cùng nước với nhau mà
Bông dạo này chơi tưởng tượng cũng nhích tí, mẹ nghĩ là đạt mức tưởng tượng tầm thấp rồi chứ không chỉ là bắt chước nữa. Bạn ấy dắt tay em gấu, tay xách cái túi đeo của mẹ đi một vòng trong nhà, vừa đi vừa bảo: thôi con nín đi, mẹ bông thương rồi, con đi lớp ngoan nhé, gấu ngoan nhở, lớn rồi không khóc đâu, chỉ có em gà khóc thôi, ngoan chiều mẹ bông đón sớm, rồi nó thơm chụt vào mũi em gấu, lấy tay lau nước mắt cho gấu(cái này có thể là bắt chước mẹ, sáng ra mẹ toàn dỗ nó như thế). rồi nó đưa gấu vào lớp: mẹ phải đi làm đã nhé, con chào mẹ bông đi nào. quay sang vai cô giáo: à, gấu đến rồi, con chào mẹ bông đi, không được, làm gì có ghế cho mẹ ngồi, mẹ phải đi làm chứ. xong nó treo cái tui vào đầu giường: đây, mẹ để ba lô đây cho con nhé, tý lấy sữa cô cho uông (lại vào vai mẹ) rồi nó lượn một vòng xuống nhà dưới, tđược một lúc lại rèo lên và gọi to: gấu ơi mẹ bông đến đón rồi đây này, mẹ bông đi làm về rồi đây. Mẹ nó cứ nằm xem và cười suốt, không biết là chơi tưởng tượng hay chỉ giả vờ nhưng mẹ nó với tinh thần AQ chấm điểm cho nó đã bắt đầu biết chơi phân vai, thỉnh thoảng mẹ nói xen vào nó chẹp miệng tỏ ý không vừa lòng, có lúc còn bảo: mẹ không nói, con đang nói với các em.
Hôm nay là 9 tháng lẻ hơn chục ngày con đi lớp, và trộm vía nghìn lần là từ đầu tuần này bắt đầu mở mắt dậy đến lúc đi lớp đã không gào khóc nữa, mẹ thấy nhẹ nhõm hơn hẳn. Các bạn chuẩn bị đi nhà trẻ cứ nhìn bạn Bông nhá, đấy, sau hơn 9 tháng bạn ấy đã bắt đầu không khóc nữa roài!!!!!!!!!!!!!!!

Hi hi, lâu rồi mới ghé nhà mình. mẹ cháu rất vui vì các bác ghé thăm, các cô các bác cứ 8888 xả láng, vì mẹ cháu cũng thích món này lắm ạ...
Mẹ Chieppiu mà ko thấy bạn bông vip chắc là chưa biết hết về kuto này thôi, với lại mẹ cháu hay khoe lắm nên mẹ nó mới thấy thế đấy. Hồi đầu khi mới đưa con đi khám về mẹ cháu nghĩ ghê lắm, chỉ lục lọi lại xem mình trả lời sai ở đâu và tự trừ điểm trên bảng test CARS của con để làm sao xuống dưới 30 điểm, thế cơ mà. Vì điểm test của bạn Bông khá sít sao, 31 điểm, hơn nữa cô thúy lúc đầu tính thụt tuổi bạn ấy mất một năm nên kết luận ban đầu của bạn ấy là hoàn toàn bình thường, may mà mẹ bạn nhìn lại và thế là lại lôi con vào test lại, kết quả làm mẹ bạn ấy vô cùng cay đắng, không muốn tin vào sự thật mà chỉ thích cái kết quả tính nhầm tuổi kia thôi. Lúc ấy mẹ bạn ấy trong thâm tâm bụng bảo dạ nhất định mấy tháng nữa sẽ quay lại đây test lại cho bạn ấy, để mẹ trả lời cho nó chuẩn, hì hì. Nhưng bây giờ đã được gần năm rồi, bản thân bạn Bông cũng có tiến bộ nhưng mẹ bạn ấy chưa một lần đưa bạn trở lại test ở viện Nhi và đến giờ cũng không có ý định đó nữa. Đọc nhiều, hiểu nhiều hơn, mình đã chấp nhận sự thật về con, có rất nhiều dấu hiệu của Vip mà bạn ấy mang dấu ấn, mẹ thừa nhận và cũng không còn loay hoay đặt tên vấn đề của con là gì nữa. Ngày trước, mẹ bạn ấy cay cú lắm vì cái quả mừng hụt khi tuổi bạn ấy bị tính nhầm, giờ bình tâm lại, mẹ vui vì đó là thế mạnh của bạn ấy, giao tiếp mắt rất tốt, không có hành vi định hình, khả năng hiểu ngôn ngữ cũng khá, ngôn ngữ diễn đạt thì tồi tệ, đó là lí do vì sao qua 15p đầu tiên tiếp xúc, thử phản ứng, các bác sỹ không phát hiện ra bạn ấy là vip, vì tưởng bạn ấy mới 2.5 tuổi trong khi thực tế là bạn ấy đã 3.5 tuổi rồi,tương ứng như thế khi kết luận sau rõ ràng ở bảng test denver ngôn ngữ diễn đạt bạn ấy chậm 1 năm dù ngôn ngữ hiểu bằng lứa tuổi.Có nhiều bạn còn khá hơn Bông rất rất nhiều mẹ nó ạ, các bạn ấy vẫn là Vip nhưng đã phục hồi tốt, nghĩa là có rất nhiều trẻ tự kỷ hòa nhập được với cuộc sống nên mẹ nó cứ vững tin đi nhé.
Gái yêu đã biết đi xe hai bánh rồi, được một tuần nay, đen nhem nhẻm vì tập xe ngoài đường nhưng bù lại bạn ấy vui lắm, chỉ tiếc là chưa biết dùng phanh tay, cái phanh tay của xe này nặng quá nên vẫn dùng hai chân, khổ, xước hết cả.  Mẹ đã có em bé rồi, bông yêu em lắm, sáng nào chị ấy cũng chào em đi học. Chỉ buồn cười khi lần đầu mẹ nói với con: Bông có em bé rồi đấy, em đang ở trong bụng mẹ đây này, con hỏi sau một lúc nhòm nhòm bụng mẹ: em bé nhà ai hả mẹ. Giờ chị ấy quen rồi, có cái kính mới đeo vào rồi hỏi em: thấy chị bông đeo kính xinh không, rồi lấy cái kính của bố: em có đeo kính không, nói xong chị ấy đeo luôn trước bụng mẹ, không quên tay giữ cho khỏi rơi.
Mấy ngày đầu mẹ chưa nghén lắm, chỉ buồn ngủ và hụt hơi một tí nhưng lại lên cơn stress mỗi khi gặp tình huống thế này:
- ai đó lôi bông ra và nói: sắp có em rồi, sắp ra rìa rồi nhé, dù con chưa thực sự  hiểu ra rìa là gì nhưng mẹ ghét cay ghét đắng cái kiểu đùa này, tệ hơn nữa là: có em trai là mày ra rìa nhé, và dù biết mọi người chỉ đùa,  nhưng mặt mẹ vẫn sưng sỉa lên không giấu được, mẹ thường làm công tác tư tưởng ngay: không đâu bác ạ, bố mẹ con yêu cả hai chị em, em yêu con  và con yêu em lắm. GIờ ai hỏi: thích em trai hay em gái, bạn ấy bảo: em trai, mẹ hỏi: thế là em gái con yêu em ko, bạn ấy nói: con có, yêu lắm. .
- Ai đó hỏi: được mấy tuần rồi, à thế thì qua 7 tuần lên hà nội thử máu xem trai hay gái đi, mẹ thường hỏi lại: để làm gì ạ, để nó là con gái thì bỏ nó à, thường ko ai trả lời được, và rất tệ là cái này lại nhiều người khuyên mình. Mẹ cũng tò mò xem con yêu của mẹ là trai hay gái, nhưng chỉ là tò mò thôi còn đã xác định sinh con thì mẹ sẽ không bao giờ bỏ chỉ vì con là trai hay gái đâu, mẹ chỉ mong con mẹ phát triển bình thường, sinh ra là một đứa trẻ bình thường, khỏe mạnh, ngoan ngoãn, đừng có Vip là được rồi. và mẹ may mắn vì bố của con cùng quan điểm với mẹ.
Dạo này bạn Bông hay vẽ hơn rồi, nhất là vẽ em của bạn ấy, gồm một hình tròn và vài hình chữ nhật, ngộ ra phết nhưng mẹ bạn ấy rất quê nên không biết post lên trang này kiểu gì để khoe nốt đây, mẹ nào chỉ giúp cho tớ với, ảnh toàn chụp trong điện thoại thôi

Lâu lắm rồi mới lại ghé nhà mình. Đã 1 năm kể từ ngày mẹ đưa con đi khám rồi đấy, dạo này mẹ mệt quá nên ít quan tâm đến con hơn. Con sắp có em gái rồi, nghĩ lại sinh con gái mà thương quá. Dù mẹ lấy bố là một người hiền lành tử tế mà bản thân mẹ nhiều lúc vẫn thấy thiệt thòi vì mình là phụ nữ, giờ có hai cô con gái, thương ghê. Nhưng mẹ thấy bố những ngày này thật tuyệt vời, động viên mẹ, chăm con nhiều hơn dù mẹ biết bố cũng chịu áp lực của việc sinh con trai, trong lòng bố chắc cũng buồn nhưng bố không lúc nào thể hiện ra cả. Mẹ cảm động nhiều lắm.
Con vào hè rồi, dạo này đi lớp đã ngoan hơn nhiều, chỉ có sáng thứ hai là phụng phịu tí thôi, vẫn thích ở nhà với mẹ hơn mà. Buổi sáng giờ mất nhiều thời gian hơn vì gái yêu mất thời gian chọn váy áo đi học, lại tự kê ghế đánh răng rửa mặt (mẹ giúp tí thôi) nên hai mẹ con thường đi muộn hơn một tí. Lớp con có cô giáo mới và mẹ quyết định không nói gì về con cả. Cô lại có vẻ quý con hay bế vào lòng, trưa con cũng thích ngủ cạnh cô mới hơn vì cô đang học việc nên nhẹ nhàng với các cháu. Con gái mẹ được cái xinh xắn, trộm vía nhìn cũng yêu lại hay thích làm đỏm, buộc tóc, tết tóc nên thường được cô ưu ái tết tóc cho, ngày có khi thay mấy kiểu. Hôm nào trước khi đến lớp con cũng hỏi: mẹ ơi cô MA (cô giáo mới) đâu? Và thường cười rất tươi khi thấy cô. Mẹ thấy rõ con đi lớp vui hơn, cười nói to hơn. Một thời gian dài mẹ đã đau đầu vì tại sao đến lớp con nói bé thế. Một hôm mẹ quyết định hỏi cô về con và những lời của cô về con sau hai tháng tiếp xúc, làm quen làm mẹ thấy ấm lòng: con ít nói so với các bạn nhưng tham gia chơi với bạn nhiệt tình, ngoan lắm chị ạ, học múa chăm chỉ, tô màu đẹp, biết nghe lời. Mẹ biết có mẹ sẽ nói chứng tỏ cô không sắc sảo, không tinh ý…nhưng có sao đâu nhỉ. Điều quan trọng nhất là con mẹ hạnh phúc khi ở lớp là được.
Cô giáo cũ của con là một cô giáo có trách nhiệm, thật thà, mẹ không hề phủ nhận điều đó. Nhưng áp lực của mẹ đã tạo nên áp lực cho cô và con là người phải chịu đựng nhiều nhất. 9 tháng đi lớp vẫn khóc như mưa cho đến cổng trường. Mẹ trao đổi hết với cô về những tồn tại của con bằng một tấm lòng rất cầu thị, mẹ vạch ra cho cô những điều con chưa làm được nhưng vô hình chung điều đó tạo thành định kiến với con, cô lúc nào cũng chú ý đến con và thấy con thực sự khác những trẻ khác. Cô càng có trách nhiệm rèn con bao nhiêu con càng hoảng hốt bấy nhiêu. Bây giờ khi mẹ hỏi: mẹ bảo cô Đ về dạy con nhé, con sẽ nói ngay: không, con không thích cô. Nhưng rõ ràng không thể phủ nhận công lao của cô cho những ngày đầu con đi lớp. Tuy nhiên mẹ tin đã đến lúc phải thay đổi. Con đã đủ tầm để không cần một sự đặc cách, đối xử khác biệt nữa. Mẹ muốn con hòa nhập ngày càng tốt hơn vào thế giới của những trẻ thường, mà điều đầu tiên cần thay đổi chính là cách nhìn của mọi người về con.
Một đứa trẻ, dù là tự kỷ hay không, đến một mức độ phát triển nào đó đều cảm thấy hạnh phúc khi mình được đối xử bình thường và bình đẳng. Con sắp tách lớp rồi và mẹ ưu tiên cô giáo nào nhẹ nhàng, mới cũng tốt bởi cũng đến lúc thay đổi cho con rồi

SHARE

tuvantretuky.com

THE SON-RISE PROGRAM - "BƯỚC KHỞI ĐẦU TỐT NHẤT CHO PHỤ HUYNH VÀ TRẺ TỰ KỶ".

    Blogger Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét