Giao tiếp, chơi và học với trẻ tự kỷ như thế nào?


Do trẻ tự kỷ bị khuyếm khuyết về kỹ năng tương tác và giao tiếp xã hội nên mẹ hoặc người dạy trẻ cần có những cách thức đặc biệt để có thể giao tiếp với trẻ, đồng thời giúp trẻ tự tin hơn, muốn giao tiếp nhiều hơn…
Nếu cho rằng trẻ tự kỷ không muốn giao tiếp, chỉ muốn chơi một mình, thực ra không hoàn toàn đúng. Trẻ chơi 1 mình vì chúng ta không hiểu cách chơi của trẻ. Khi chúng ta bực mình, cáu gắt vì có vẻ như chúng ta không hiểu được tại sao trẻ cứ chạy lung tung, trẻ cứ chơi với cái bánh xe đồ chơi trong khi ta muốn dạy trẻ đua xe, tại sao trẻ khóc vô cớ (mà thực ra là không hề vô cớ đâu ạ)???
1. luôn luôn vui vẻ
Điều này rất rất quan trọng ạ. Nếu các mẹ để ý sẽ nhận ra khi ta buồn bực trong lòng, ta chẳng thể dạy dỗ gì cho con được, thậm chí cái sự buồn bực ấy còn “lây” sang con. Và chỉ một vài tuần không được can thiệp liên tục, ta sẽ thấy con bị tuột dốc “thê thảm” ngay. Vì vậy cố gắng vui vẻ với con nhé, trẻ sẽ mạnh dạn, tự tin để giao tiếp hơn nhiều khi thấy mẹ luôn tươi cười, ấm áp…
2. luôn nói to, rõ, ngắn gọn
Thay vì nói “con có muốn chơi xích đu với mẹ không?”, bạn hãy nói “xích đu không?” hoặc “muốn xích đu?”
Thay vì nói “con hãy dọn dẹp đồ chơi lại đi!” , bạn hãy nói “dọn đồ chơi!”
Thay vì nói “con vào toa-lét đi, mẹ tắm/ rửa tay cho con, dơ quá rồi”, hãy nói “đi tắm” hay “rửa tay”
3. Luôn “đồng ý” với con, cho con được chọn lựa
Phần này tương đối khó, nhưng tôi sẽ cố gắng diễn giải cho các bạn hiểu. Thử tưởng tượng, nếu như người đối diện bạn đề nghị bất kỳ điều gì, bạn cũng từ chối, nói “không”, thì có phải cuộc đối thoại đó sẽ nhanh chóng chấm dứt? Nếu bạn đề nghị “tối nay nhà mình nấu cà-ri ăn nhé?” người kia nói “Ừ, được đấy, mình sẽ ăn cà-ri gà hay cà-ri tôm nhỉ?”, bạn nói “cà-ri gà đi, mình thích ăn nhiều khoai lang. Ăn xong, nhà mình đi ra công viên chơi nha!” người kia nói ” Ừ, được đấy, mình sẽ chạy bộ, còn bạn thì sao?”…Có phải cuộc đối thoại sẽ diễn ra trong không khí rất là vui vẻ thoải mái không? Hãy mang bầu không khí hào hứng đó đến cho con bạn.
Ví dụ trẻ nói “đi bơi” bạn sẽ nói “được, mình đi bơi. Con muốn bơi ở đâu? hồ Rạch Miễu hay hồ Văn Thánh?”
Trẻ nói “đi nhà sách”, bạn nói “được, mình đi nhà sách, con thích mua sách hay mua đồ chơi?”
Đồng ý với con và cho con được lựa chọn, sẽ khuyến khích con giao tiếp rất nhiều. Nếu trẻ chưa nói được nhiều, hãy đưa hình ảnh ra cho trẻ lựa chọn.
Vậy nếu trẻ muốn những thứ mà chúng ta cho là không tốt thì sao?
Ví dụ trẻ muốn ăn kẹo, bạn đã cho trẻ 1 cục rồi, và trẻ vẫn muốn ăn tiếp thì sao? Chúng ta cho trẻ chọn lựa “Bây giờ con ăn kẹo thì phải đi đánh răng ngay, hoặc là không ăn kẹo nữa và mẹ sẽ dẫn con đi chơi cầu tuột nhé?” (trẻ không thích đánh răng, và trẻ thích chơi cầu tuột)
Như vậy trẻ sẽ phải chọn lựa giữa (cái trẻ muốn + một cái trẻ không chấp nhận/ ghét) và (cái mẹ muốn + phần thưởng).
Nếu trẻ vẫn muốn ăn kẹo nữa, bạn hãy tận dụng việc trẻ thích ăn kẹo để dạy con làm các công việc khác. Ví dụ, mình nói “được, mẹ sẽ cho con 1 cục kẹo nữa sau khi con dọn dẹp đồ chơi”. Cầm cục kẹo trước mặt bé và nói “dọn dẹp rồi ăn kẹo”. Khi có phần thưởng, các bé sẽ rất hăng hái làm. Con mình cũng vậy, kể cả những việc cảm thấy khó, nhưng khi có phần thưởng khích lệ, bạn sẽ thấy là “ồ, con có thể làm được nhiều điều hơn bạn nghĩ”.
Tuy nhiên, hãy lưu ý, sau khi bé làm xong việc bạn yêu cầu, khuôn mặt bạn phải rạng rỡ lên, bạn ôm hôn con, khen ngợi hành động của con thật nhiệt tình “ôi, con dọn dẹp đồ chơi sạch sẽ quá, con biết giúp đỡ mẹ rồi”. À, khi đó, tâm trí trẻ đang bay bổng vì lời khen của mẹ, trẻ sẽ thấy rất vui, phần thưởng “cục kẹo” không thật sự quan trọng lắm nữa. Nếu thiếu bước này, việc bạn cho con cục kẹo sau khi con dọn dẹp xong đồ chơi sẽ giống như là “hối lộ”…
4. Đừng để con chơi một mình, hãy chơi cùng trẻ.
Nếu trẻ xếp ô tô thành một hàng dài (đây là trò chơi yêu thích của trẻ), hãy tuần tự thêm xe vào hàng với trẻ. “con 1 chiếc, mẹ một chiếc, thành 1 hàng dài rồi…”
Đôi khi không nhất thiết là chúng ta phải cùng chơi với trẻ trò chơi trẻ đang chơi. Ví dụ, ở ngoài đường, mẹ vừa xách túi, vừa phải giữ chặt tay con lại để bé không chạy ra giữa đường. Thay vì vậy, hãy đưa cho con 1 cái túi nhỏ và nhờ con “xách giúp mẹ”. Trẻ sẽ không chạy ra đường nữa vì phải bận tâm vào việc xách túi.
Hoặc là trẻ ở nhà, nhìn chăm chú vào màn hình ti vi, xem quảng cáo. Mẹ đang làm bếp, hãy cho con cùng nhặt rau, sắp xếp đồ đạc vào kệ. Mẹ hãy kiên nhẫn, hướng dẫn con từ từ nhé.
5. Hãy cho trẻ cơ hội được tự làm
Sau nhiều lần hướng dẫn, trẻ có vẻ như vẫn không biết cách làm, điều tự nhiên là mẹ muốn giúp trẻ ngay. Nhưng nếu bạn luôn làm thay cho trẻ thì trẻ sẽ không có cơ hội cho bạn thấy là trẻ có khả năng làm nhiều điều hơn bạn tưởng. Hãy để trẻ tự đi giày, trẻ biết rằng “trẻ đi giày xong thì sẽ được đi chơi”, nếu trẻ không đi giày, trẻ sẽ không được đi chơi. Và việc của bạn là kiên nhẫn chờ đợi…
Các mẹ luôn luôn là người hiểu con nhất, và cũng luôn luôn tự động làm thay con mọi việc khi cảm thấy con đang bối rối. Chính điều này đã giành mất cơ hội cho con bạn được tự lập.
SHARE

tuvantretuky.com

THE SON-RISE PROGRAM - "BƯỚC KHỞI ĐẦU TỐT NHẤT CHO PHỤ HUYNH VÀ TRẺ TỰ KỶ".

    Blogger Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét