Viết cho con trai cầu tự … tự kỷ - H. Tịnh

con cầu tự tự kỷ

       Chị Hằng,       
     Kể chị nghe, tờ mờ tinh sương vào sáng hôm nay,  ngồi một mình trong quán cà phê quen thuộc ở Bolsa, Quận Cam, tôi đã đọc đi, đọc lại không biết bao nhiêu lần bài viết của chị trên Facebook.  Càng đọc, tôi càng cảm thấy lòng tôi vơi đi nhiều lắm những nỗi buồn … tự kỷ rất sâu đậm và thầm kín trong lòng tôi.
     Thú thật với chị Hằng, là nam nhi, “máu lạnh” có thừa, nhưng tôi đã rưng rưng nước mắt khi tôi đọc bài viết của chị. Chị viết rất hay! Hay ở chỗ chị viết rất thật và rất người!
     Chị biết không, tôi sang Mỹ từ hồi tôi còn trẻ.  Mấy mươi năm trôi qua, tôi vẫn là … một người thợ lao động chân tay, không bằng cấp. Nhưng tôi sống rất happy và chẳng bao giờ buồn hay biết ganh tị với ai.  Đọc bài chị viết, tôi cảm phục chị rất nhiều, vì tôi biết đám đàn ông như tôi sẽ không bao giờ có sự chịu đựng, chịu khó của một người vợ, người mẹ như chị, vừa nuôi dạy hai con Tina và Ri, vừa đi học và lấy bằng y tá … khoảng mười năm rồi, chị Hằng hỉ?
    Chị à, vì lận đận về tình duyên nên mãi đến cái tuổi ngoài bốn mươi, tôi mới can đảm lập gia đình với một phụ nữ chỉ kém hơn tôi một vài tuổi, chứ không phải một vài … con giáp đâu nghe. 
     Rồi, hai vợ chồng già chúng tôi sống tuy nghèo, nhưng rất hạnh phúc ở Quận Cam, California, bên thằng con cầu tự … chậm nói.
     Cu Tô chào đời khi tôi gần … năm mươi tuổi.  Cu Tô (có dấu mũ chứ không phải Ku To không dấu như vài bác sĩ Mỹ gốc Việt thường gọi) là đứa con cầu tự … chậm nói.  Gọi nó là cầu tự bởi vì các anh chị em bên gia đình vợ và tôi đều sinh con gái, và Cu Tô chính là đứa cháu trai đích tôn đầu tiên của hai dòng nội ngoại.
    “Con trai mà, chậm nói có gì mà lạ.  Ít bửa nó nói như sáo cho ông bà xem.”
     “Hai đứa bây mới làm cha làm mẹ lần đầu chưa có kinh nghiệm đó thôi.  Chứ tao một bầy con, bửa no, bửa đói, có chăm sóc chi mô.  Ngó kìa, cậu Tý nhà mình 20 tháng mới biết đi, năm tuổi mới biết nói.  Rứa rồi lớn lên, đâu cũng vào đó.  Cũng học ra trường, cũng có con, có cái như ai.  Thôi, yên tâm đi, mi cha già con muộn, sợ gì ông trời không có đức hiếu sinh!”
      Chị à, những câu nói trên của gia đình và bè bạn về cu Tô, hai vợ chồng tôi nghe hoài nhưng vẫn không khiến cả hai an tâm.  Hơn ai hết, vợ tôi hiểu con mình … khác thường ngay từ sau sinh nhật lần thứ hai của nó.  Cảm tính của người mẹ mà, bao giờ cũng chính xác hơn những người chồng đần độn, chỉ biết lăn lộn kiếm tiền mang về nhà là tròn trách nhiệm giống như tôi. 
     “Anh ơi, bình tỉnh nghe, em nghĩ cu Tô là …tự kỷ.” Vợ tôi nói với tôi sau một buổi cơm chiều.
      “Nói gì vậy?  Tự kỷ?  Tự kỷ là gì? Mà sao em biết con mình là tự kỷ?” Tôi hỏi gặn vợ tôi.
      “Người ta nói tự kỷ là sự rối loạn tâm thần, có ảnh hưởng đến ngôn ngữ, khả năng giao thiệp xã hội, và có những cử chỉ rập khuôn, những hành vi lặp đi, lặp lại khác thường …”
      “Thôi, thôi. Mình chỉ cần biết tự kỷ có lây không?  Có đáng sợ không?”  Tôi gắt gỏng, cắt ngang những lời giải thích của vợ tôi.
     “Tự kỷ mần răng mà lây.  Tự kỷ là rối loạn về sự phát triển chứ có phải bệnh dịch mô mà lây.”  Vợ tôi bình tỉnh giải thích.
     “Vậy theo em, mình phải làm sao bây giờ?”  Tôi hỏi.
    “Bạn em, Linh, anh còn nhớ không? Nó có con trai bị tự kỷ.  Chiều ni, Linh ghé thăm em.  Nó nói, nhìn cu Tô, nó biết con mình … bị tự kỷ đó anh.  Nó khuyên mình nên đem con đi chẩn bệnh tự kỷ ở bệnh viện UCI càng sớm càng tốt. Để con mình có được những dịch vụ can thiệp sớm.  Nó … làm hẹn cho em rồi.  Hai tuần nữa, mình đem con … đi khám nghe anh.  Anh có bảo hiểm PPO cho cả gia đình mà.”  Vợ tôi vừa khóc, vừa nói.
     “Tự kỷ thì đã sao?  Tự kỷ không lây cho người khác thì sợ gì?  Mà thôi, em muốn làm gì thì làm.  Anh mệt lắm.  Đi ngủ đây.”  Tôi vừa giận, vừa nói cắt ngang lời vợ.
     Ngày chẩn bệnh của cu Tô đã đến.  Tôi xin nghỉ một ngày ở nhà tắm rửa cho cu Tô thật sạch sẽ, chải tóc keo và mặc bộ quần áo mới nhất cho nó, và cũng không quên đem hết giấy tờ bệnh viện gởi, chờ vợ bồng con lên xe xong là cả nhà vội lên đường đến bệnh viện UCI cho đúng hẹn.  Tự dưng lòng tôi bỗng lo lo, sợ sợ.  Không biết chuyện gì sẽ xảy ra đây.
     Đến nơi, chờ khoảng một tiếng đồng hồ thì hai người bác sĩ mời vợ chồng tôi vào phòng, có cả cu Tô.  Một người hỏi chuyện vợ chồng tôi, còn người kia theo dõi cu Tô, ghi ghi, chép chép từng hành động và cử chỉ của nó.  Không hiểu vì sao, tay chân tôi bắt đầu run.  Không xong rồi, tôi thầm nhủ.
     “Thưa ông bà, chúng tôi có thể khẳng định một cách chính xác với ông bà rằng đứa trẻ nầy là tự kỷ.” 
     “Tự kỷ!  Nó mới hai tuổi đầu mà tự kỷ cái quái gì? Không! Không! Không thể nào là tự kỷ!”  Tôi mất bình tỉnh, nói như quát vào mặt họ.
     Người cán sự xã hội bước vào, ôm lấy tôi, vỗ về.  Tôi gục người xuống sàn như con thú bị đạn, và một hồi sau tôi mới bật khóc.  Vợ tôi im lặng tiến đến gần cu Tô và ôm nó vào lòng.  Nước mắt ràn rụa.
     “Hết rồi con ơi.  Vì răng con tôi là tự kỷ?  Tội tình chi mô con ơi!”  Vợ tôi than khóc. Tôi nghe tiếng vợ tôi khóc mà đứt từng đoạn ruột, nhưng lúc đó, cả người tôi mềm nhủn, không tài nào vực dậy. 
     Rồi sau đó, hai vợ chồng tôi bồng cu Tô lủi thủi ra về.  Trên đoạn đường từ bệnh viện trở về thàng phố Garden Grove ở California, tôi không biết mình đã đi qua  bao nhiêu ngọn đèn đỏ, và cũng không nhớ mình đã nghe bao nhiêu tiếng còi xe cảnh cáo hay thấy những “ngón thối” đưa lên vì họ nghĩ tôi có thể là một gã say, lái xe thí mạng.  May mà mấy bác cảnh sát chiều hôm đó không chớp đèn chộp tôi.  Chừ nghĩ lại, tôi thấy cái sốc tự kỷ thật là dễ sợ.  Suốt đời, sẽ không bao giờ tôi quên cái ngày chẩn đoán tự kỷ của cu Tô ở bệnh viện UCI ngày ấy.
     Chị Hằng,
     Noel năm nầy, cu Tô sẽ được chín tuổi. Nó đang học lớp ba.  Bảy năm qua, hai vợ chồng tôi chấp nhận sự thật, ngày mỗi ngày cố gắng sống vui cùng tự kỷ.
     Bây giờ nó học ở lớp thường (regular class).  Một tuần có hai lần học nói (speech).  Nó rất khá toán, giỏi computer và có khiếu đánh vần.  Thầy cô và bạn bè ai cũng thương và bênh vực nó, bởi vì nó rất hiền.  Còn nữa, sau giờ học, nó biết tự làm bài tập, không cần tôi hướng dẫn.  Vợ tôi thì cứ mua sách vở của lớp bốn, lớp năm về dạy trước cho nó.  Nó học nhanh lắm.  Học xong thì cứ đòi sang nhà mấy bạn chơi iPad.  Cũng may hàng xóm tôi ở đây có nhiều người Việt rất tốt bụng.  Họ biết con tôi là tự kỷ nhưng vẫn thật lòng chấp nhận nó.    
     Cuối cùng, cho phép tôi có ý kiến cùng chị và với những phụ huynh khác rằng tự kỷ chỉ là một cái mác hay label mà thôi. Những đứa trẻ tự kỷ có tiến bộ hay không là do sự chịu khó, sự tận tâm dạy dỗ của chúng ta ở gia đình.  Thử hỏi, có vườn cây nào mà không trổ bông hoa và sanh trái ngọt nếu chúng ta cứ cố gắng chăm bón đều đặn mỗi ngày, phải không chị?  

SHARE

tuvantretuky.com

THE SON-RISE PROGRAM - "BƯỚC KHỞI ĐẦU TỐT NHẤT CHO PHỤ HUYNH VÀ TRẺ TỰ KỶ".

    Blogger Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét