Chi phí cho cô giáo dạy trẻ tự kỷ tại nhà


(Home tutor/ Co-therapist)
Ở Đức: 7,5Euro/ giờ tương đương khoảng 200 – 220 ngàn đồng VN nhỉ.

Những cô giáo này có thể là cô giáo ở trường mầm non, hoặc là những người được học về ngành xã hội (dưới đại học) để chăm sóc những người có nhu cầu đặc biệt (người già, trẻ em); hoặc là sinh viên đang học ngành xã hội ở các trường đại học; thậm chí là sinh viên đang theo học occupational therapist hoặc những người đang học bất cứ ngành nghề gì khác (sau lớp 12). Họ sẽ nhận dạy trẻ tự kỷ tại nhà
Họ đến nhà không phải với tư cách là cô giáo chỉ dạy học. Họ đến nhà với tư cách là giúp đỡ đứa trẻ, làm mọi thứ mà đứa trẻ và gia đình cần. Kể cả trông trẻ để mẹ đi ra ngoài làm việc gì đó thì cũng là việc liên quan đến trẻ. Hoặc là lo cho trẻ ăn, giúp trẻ phục vụ vệ sinh, thậm chí cả tắm cho trẻ, …
Với những kiến thức sẵn có, họ tự đọc tài liệu để biết phương pháp dạy trẻ tự kỷ, và họ biết cách CHƠI + DẠY TRẺ NÓI. Họ tận dụng mọi thời gian bên trẻ chứ không cho trẻ một mình, thậm chí chẳng cả nghe điện thoại, nói chung mình không thấy họ làm việc riêng gì trong giờ cả.
Họ hầu như không biết gì về ABA hay OT hay các can thiệp tự kỷ tên tuổi khác. Nhưng với background đó, cha mẹ đào tạo và nhờ cả chuyên gia tự kỷ đào tạo, họ dần dần có thể trở thành ABA-cotherapists và lớn dần lên thành consultant. Nếu bạn đọc My baby can dance, một mẩu chuyện mà mình đã dịch, bạn sẽ thấy nhà tư vấn RDI hiện nay tới VN thì cô ấy đầu tiên cũng đang theo học ngành gì đó liên quan đến xã hội và đến làm home tutor cho một đứa trẻ, rồi dần dần cô ấy học lên và trở thành như bây giờ. Mình cũng may mắn có một cô giáo có tố chất rất tốt để tiếp cận và tiến xa với phương pháp ABA, mình cho cô ấy tiếp cận RDI rồi vào cả RDIos để xem rồi (mình đóng 150usd để được việc này), nhưng có vẻ chưa hợp.
Ở những đất nước mà dịch vụ ABA phổ biến như ở Mỹ, và một số nước nói tiếng Anh, thì khi bạn đào tạo cô giáo trở thành ABA-cotherapist tốt, cô ấy sẽ có nhiều lựa chọn hơn. Ở Đức thì mình không rõ, nhưng khi đọc cuốn sách Basic ABA của Hermann Danne, một ông bố có con tự kỷ 15 tuổi, thì ông ấy cũng cảnh báo điều này. Trường hợp của mình thì hầu như mình không trải qua mối lo lắng đó, vì các cô giáo là do một tổ chức trực thuộc trung tâm trị liệu tự kỷ tuyển, xã hội trả tiền, họ làm theo nhu cầu của gia đình nhưng phải báo cáo với tổ chức. Họ muốn giữ uy tín thì sẽ không nhảy nhót nhiều nơi nhưng bù lại họ sẽ được ký hợp đồng, có lương hưu, có background tốt vì làm ở một tổ chức chuyên biệt, cơ hội xin việc lâu dài của họ càng ngày càng cao.
Ở VN mình thấy một số người mẹ từ nhiều năm trước đã tính đến việc ký hợp đồng, đóng bảo hiểm cho một số cô giáo. Mình thấy đó là cách hay.
Mặt khác, mình cũng mong các cô giáo linh động hơn với chi phí và với đầu việc. Ví dụ với thu nhập ở VN thì chi phí cũng nên vừa phải (ngoại trừ cha mẹ có điều kiện thì đó là tự nguyện và là trường hợp cá biệt thôi, không nên lấy đó là giá chung để cha mẹ khác phải đau đầu), và đầu việc thì cũng nên linh động để làm mọi việc từ nhỏ tới lớn sao cho giúp ích cho gia đình và đứa trẻ. Vì chính những việc vặt quanh đứa trẻ lại là việc giúp cho trẻ có kỹ năng tốt, chứ người giúp việc thì làm sao dạy trẻ kỹ năng sống tốt bằng cô giáo hoặc cha mẹ được. Hồi mình ở VN, có cô giáo giúp mình cả việc chơi, đưa con đi tập xe đạp, đưa con đi ăn uống ở ngoài hàng cùng gia đình mình. Có những ngày nhà mình có việc bố mẹ đi vắng xa, cô ở lại chơi với con cả ngày. Giờ đi xa rồi mình vẫn nhớ những kỷ niệm ngọt ngào đó.
Chúc các bạn và các cô tìm được tiếng nói chung và giúp con tốt nhất.
SHARE

tuvantretuky.com

THE SON-RISE PROGRAM - "BƯỚC KHỞI ĐẦU TỐT NHẤT CHO PHỤ HUYNH VÀ TRẺ TỰ KỶ".

    Blogger Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét